Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80% số xã trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, có tiêu chí về xây dựng ít nhất một mô hình thôn (xóm) nông thôn mới thông minh.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ triển khai nhiều giải pháp quan trọng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tỉnh xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng nên đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của người dân thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa...
Việc tổ chức thực hiện các phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, huy động toàn bộ nguồn lực và có sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư, đời sống xã hội nông thôn dần được cải thiện và ổn định hơn.
Năm 2022, tỉnh Phú Thọ có thêm 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 128/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 50 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Sau 12 năm xây dựng nông thôn mới, nhiều huyện, xã đã khoác lên mình chiếc áo mới. Kinh tế - xã hội liên tục khởi sắc, an ninh – quốc phòng giữ vững ổn định, đời sống người dân không ngừng được nâng cao…
Tỉnh Phú Thọ hướng tới mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm huyện Thanh Ba và Phù Ninh đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 139/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 15 tiêu chí…
Bước sang giai đoạn mới, các kế hoạch xây dựng nông thôn mới của Phú Thọ cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Tỉnh tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, sàn giao dịch nông sản.
Đối với các xã và huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, tập trung chỉ đạo xác định nội dung, giải pháp thực hiện, đảm bảo giữ vững và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
Bức tranh nông thôn mới ở Phú Thọ:
Xã Xuân Thủy (Yên Lập) tập trung 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc xây dựng nông thôn mới đã là bài toán khó, thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu lại càng khó hơn.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như người dân, ngày 05/02/2020, xã đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sau khi được công nhận xã nông thôn mới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, thực sự thấy được lợi ích cũng như vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó chủ động, tích cực chung tay cùng chính quyền đẩy nhanh tiến độ.
Khu 3 xã Xuân Thủy là điển hình trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Khu có tổng diện tích tự nhiên là 163ha, với 80 hộ và trên 300 nhân khẩu.
Công tác xây dựng khu nông thôn mới kiểu mẫu được nhân dân đồng tình ủng hộ, tham gia hiến đất đai, tài sản, cây cối, hoa màu… để làm đường giao thông với tổng 3.500m2; làm mới 1.240m đường bê tông với tổng kinh phí là 249 triệu đồng.
Khu tổ chức lắp đặt được 2.500m điện chiếu sáng đường liên thôn, đồng thời cùng nhau quyên góp để trồng hoa hai bên đường tạo ra cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Tình hình an ninh chính trị, an ninh thôn xóm được đảm bảo, tinh thần đoàn kết cộng đồng ngày càng được gắn bó.
Tháng 4/2021, khu 3 xã Xuân Thủy đón nhận danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của khu đạt 54,1 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,0%.
Việc xây dựng thành công khu 3 là khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đã tạo tính lan tỏa, trở thành tiền đề, cơ sở để các khu dân cư trong xã Xuân Thủy học tập, thực hiện, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Hội viên Hội Phụ nữ xã Xuân Viên (Yên Lập) tham gia dọn rác, đẩy mạnh thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở các thôn, xóm đã có sự chuyển biến tích cực. Thứ 5 hằng tuần, địa bàn xã có xe chuyên dụng đi thu gom rác.
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Ba đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật nhờ những cách làm riêng, sáng tạo.
Chính quyền địa phương đã tích cực huy động và lồng ghép các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng các công trình trong thực hiện xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
18/18 xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tại các vùng nông thôn, ngày càng xuất hiện nhiều tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Những đường hoa, đường bích họa, đường không rác thải do chính quyền và nhân dân cùng làm góp phần tạo điểm nhấn cho các vùng quê.
Huyện quyết tâm trong năm 2023 đạt chuẩn huyện nông thôn mới và có thêm xã Đông Thành, xã Chí Tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Khung cảnh yên bình, khang trang, sạch đẹp và mức độ số hóa trong cuộc sống của người dân xã Đông Thành. Hệ thống camera an ninh đã phủ khắp xóm. Một số địa bàn có mạng wifi tốc độ cao phục vụ học tập, tra cứu thông tin, học hỏi mô hình làm ăn của người dân.
Hệ thống đài truyền thanh không dây áp dụng công nghệ AI, vận hành bằng điện thoại thông minh được lắp đặt tại nhiều cụm, khu.
"Cuối năm 2022, xã Đông Thành còn 9 tiêu chí chưa đạt nhưng tỷ lệ chưa đạt rất nhỏ. Để hoàn thiện các tiêu chí này, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc, huy động người dân tham gia thực hiện", bà Vi Thị Lan, Chủ tịch UBND xã Đông Thành cho biết.
Huyện Thanh Ba cũng tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn. Năm 2022 các xã đã tiếp nhận 3.145 tấn xi măng làm đường giao thông, đưa tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 71%.
Việc xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ đang chuyển biến mạnh mẽ từ "lượng" sang "chất". Do vậy, hoàn thiện các tiêu chí mới và giữ vững các tiêu chí đã đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới.