Với lợi thế có bờ biển dài, ngư trường rộng, nguồn thủy sản phong phú, nhiều đầm vịnh kín gió nên rất thuận lợi cho ngành nuôi trồng, khai thác thủy sản, thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã tập trung đầu tư, khuyến khích ngư dân khai thác, đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. 

Nhờ đó, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm của tỉnh đạt trên 60.000 tấn với nhiều loại thủy sản có giá trị. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm khoảng 40% trên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

tom-hum-4.jpg
Những năm qua, nghề nuôi tôm hùm đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Tri Phương, cho biết, Phú Yên có lợi thế về phát triển thủy sản. Thế mạnh của tỉnh là nhóm tàu ở vùng khơi, chuyên khai thác cá ngừ đại dương. 

Để hoạt động khai thác cá ngừ nâng cao chất lượng và đạt hiệu quả, thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã tập trung hiện đại hóa các đội tàu câu cá ngừ đại dương góp phần tăng trưởng cho kinh tế thủy sản của tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng cho biết, hiện nay, Phú Yên đang cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng tăng tỉ trọng giá trị nuôi trồng, giảm dần tỉ trọng khai thác ven bờ, gắn với chế biến và xuất khẩu. Trong đó, tập trung cơ cấu lại thuyền nghề theo hướng giảm tàu khai thác ven bờ, hiện đại hóa đội tàu khai thác vùng khơi có chiều dài từ 15m trở lên, gắn với chuyển đổi nghề khai thác phù hợp với hạn ngạch từng vùng.

Đồng thời, tỉnh cũng đang tổ chức các hình thức hợp tác, liên kết, nghiệp đoàn trong khai thác thủy sản trên biển và xây dựng các hợp tác xã, chuỗi liên kết ngành hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động; thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, tạo điều kiện để ngư dân bám biển sản xuất kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

Tỉnh Phú Yên có 4 địa phương ven biển, gồm: Thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa và huyện Tuy An. Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khu vực ven biển hiện đang trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh. 

Huyện Tuy An là một trong bốn địa phương ven biển của tỉnh. Theo báo cáo của huyện Tuy An, việc nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản trên địa bàn huyện đang có sự ổn định và mang lại hiệu suất đáng kể nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Huyện Tuy An cho biết, trong hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ sản, để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo, huyện đã thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản. Theo đó, dự kiến sản lượng khai thác thủy sản năm 2023 của huyện sẽ đạt hơn 16.300 tấn, tăng 989 tấn so với năm 2021. 

Bên cạnh hoạt động khai thác thuỷ sản bền vững, hiện nay, các khu vực nuôi trồng thủy sản của huyện được tập trung vào các đối tượng nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng, có giá trị kinh tế cao và liên quan chặt chẽ đến thị trường tiêu thụ, như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, cá mú, cá bớp.... Đồng thời, phương pháp nuôi đã chuyển dịch theo hướng thâm canh, an toàn sinh học, nuôi ao bạt và nuôi tôm bằng nước tuần hoàn đã được áp dụng tại một số cơ sở nuôi. Bên cạnh đó, việc quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh định kỳ tại các vùng nuôi đã giúp tăng năng suất và sản lượng nuôi.

Năm 2023, diện tích thả nuôi thủy sản của huyện tăng thêm 13ha so với năm 2021. Dự kiến, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt 3.155 tấn, tăng 259 tấn so với năm 2021. 

Để hoạt động nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững và góp phần nâng cao uy tín sản phẩm, huyện đã tiến hành việc cấp mã số vùng nuôi cho 3 công ty, đồng thời tiếp nhận 22 hồ sơ đủ điều kiện để cấp mã số vùng nuôi.

Từ nay đến năm 2025, huyện sẽ đầu tư và phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và bền vững, đồng thời nâng cấp hạ tầng. 

Trong nuôi trồng, huyện sẽ đa dạng hóa các đối tượng nuôi để có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cá mú, chình, sò huyết, ốc hương, trong đó sẽ tập trung vào các sản phẩm chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng; quản lý tốt con giống và môi trường nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư nuôi lồng, bè cá biển, rong biển...

 Đối với lĩnh vực chế biến, huyện tiếp tục duy trì các làng nghề chế biến nước mắm truyền thống và chế biến cá khô xuất khẩu như xã An Hòa Hải và An Chấn. Đồng thời nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì, và xây dựng thương hiệu, hướng tới việc xây dựng sản phẩm OCOP.

Tại thị xã Sông Cầu, ngoài hoạt động khai thác, thị xã cũng tập trung đầu tư phát triển ngành nuôi trồng, chế biến hải sản theo hướng bền vững. Một trong những loại thuỷ sản được nuôi trồng  thì tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm hùm trở thành sản phẩm đặc trưng của thị xã và là sản phẩm chủ lực của Phú Yên.

Bí thư Thị ủy Sông Cầu Đỗ Thái Phong, cho biết, thị xã Sông Cầu có vị trí địa lý, điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi tôm hùm. Trong những năm qua, nghề nuôi tôm hùm đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp rất lớn vào kinh tế - xã hội, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho phần lớn người dân trên địa bàn.

Hiện trên địa bàn thị xã có khoảng 4.850 hộ nuôi trồng thủy sản, với khoảng 99.600 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng tôm đã thu hoạch gần 2.000 tấn; ngoài ra có  133 cơ sở nuôi tôm thẻ, tôm hùm được cấp mã số phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đầu năm 2023, thị xã đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu; đồng thời đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý tôm hùm bông…

Để nuôi trồng và chế biến thủy sản bền vững, thời gian tới, Sông Cầu sẽ tập trung đẩy mạnh đa dạng hóa vật nuôi, thân thiện với môi trường và sử dụng mặt nước có hiệu quả; chuyển nuôi trồng thủy sản từ phương thức truyền thống, quảng canh sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh; ứng dụng công nghệ cao phát triển nuôi trồng thủy sản xa bờ...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, diện tích nuôi thủy sản lồng bè được quy hoạch tổng thể về phát triển thủy sản tỉnh Phú Yên đến năm 2025 là 1.000ha đầm, vịnh thuộc thị xã Sông Cầu và 650ha bờ biển hở thuộc huyện Tuy An đủ điều kiện để phát triển nuôi biển công nghiệp. 

Tổng số lồng bè nuôi theo quy hoạch là 49.000 lồng, trong đó thị xã Sông Cầu có 32.900 lồng, trong đó có 16.000 lồng nuôi thương phẩm và 14.000 lồng ương tôm hùm giống, cá các loại là 2.900 lồng; rong biển 208ha; ốc hương 170ha; sò huyết 150ha. 

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ, những năm qua, ngành thủy sản Phú Yên không ngừng phát triển, có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Ngọc Dũng và nhóm PV, BTV