Những năm qua, công tác xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trên địa bàn tỉnh Phú Yên được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực.
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên vừa tổ chức Hội thảo chuyên đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Qua đó, cán bộ, công chức làm công tác gia đình có thêm thông tin bổ ích để tuyên truyền, góp phần lan tỏa các chuẩn mực, giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam đến các tổ chức, cá nhân.
Thạc sĩ Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá, những thông điệp chia sẻ tại hội thảo này là những vấn đề sát với thực tế, giúp người làm công tác gia đình các cấp có thêm thông tin để tuyên truyền, lan tỏa kinh nghiệm quý báu xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường sống lành mạnh cho các thành viên trong gia đình.
Khẳng định gia đình là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thị Xã Đông Hòa cho rằng, việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo chuyên đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng trong xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc và khẳng định ý nghĩa, vai trò của mái ấm gia đình đối với sự phát triển của đất nước, xã hội.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, Hội thảo chuyên đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” nhằm khẳng định ý nghĩa, vai trò của mái ấm gia đình đối với sự phát triển của đất nước, xã hội. Gia đình được xem là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống và là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người.
“Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giữ vững và ổn định tình hình chính trị - xã hội. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, phát triển bền vững. Hội thảo chuyên đề này góp phần nâng cao, làm chuyển biến trong nhận thức về vai trò, vị trí của gia đình trong mỗi cá nhân, cộng đồng, từ đó có hành động thiết thực xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, bà Thái cho biết.
Có thể thấy, trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như: lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, bất khuất, kiên cường vượt qua khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận gia đình hiện nay đang gặp phải tình trạng thành viên có nhân cách ứng xử lệch lạc khiến giá trị, lối sống, chuẩn mực ứng xử của gia đình bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng của đời sống gia đình. Sự khủng hoảng này có mối liên hệ chặt chẽ với các vấn đề chung của xã hội, đặc biệt là tệ nạn xã hội, hành vi lệch chuẩn, sự xuống cấp về đạo đức, chuẩn mực ứng xử, lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng…
Chính vì thế, việc tuyên truyền công tác văn hóa gia đình, những chuẩn mực trong ứng xử gia đình đến người dân rất quan trọng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ bỏ những hủ tục, vun đắp hạnh phúc gia đình, chí thú làm ăn. Để làm được điều này, những người làm công tác văn hóa, gia đình phải có kiến thức vững chắc. Chính vì vậy, những buổi nói chuyện chuyên đề, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình tới các cán bộ, công chức, viên chức là rất cần thiết.