Trong ký ức đậm sâu của người thân, hình ảnh các liệt sĩ là dấu ấn không thể phai mờ. Nhưng theo thời gian, nhiều bức ảnh mà các liệt sĩ để lại đã trở nên xuống cấp, nhuốm màu thời gian. Để tôn vinh những người đã hy sinh vì Tổ quốc, một dự án đầy ý nghĩa mang tên “Phục dựng di ảnh liệt sĩ” đã được Thành đoàn Hà Nội khởi xướng.
Dự án được thực hiện bởi Thành đoàn Hà Nội cùng với nhóm Màu Hoa Đỏ và một số chuyên gia trong lĩnh vực chỉnh sửa ảnh. Ban đầu, các tình nguyện viên thực hiện phục dựng ảnh bằng phương pháp thủ công. Mỗi bức ảnh mất khoảng 3-4 ngày, thậm chí cả tuần để hoàn thành việc phục dựng.
Quá trình phục dựng ảnh cũng không hề đơn giản. Từng bức ảnh đều phải qua nhiều bước xử lý, từ việc quét lại ảnh gốc, điều chỉnh ánh sáng, màu sắc, đến việc tái tạo các chi tiết khuôn mặt đã bị mờ theo thời gian.
Đôi khi, bức ảnh gốc chỉ là một tấm ảnh thẻ nhỏ kích thước 3x4cm, bị hư hỏng, mất đi nhiều chi tiết quan trọng. Những người thực hiện phải tinh tế trong từng đường nét, từng điểm sáng tối, để đảm bảo hình ảnh sau phục dựng không chỉ rõ ràng mà còn chân thật, mang đậm thần thái của người trong ảnh.
Do tốn nhiều thời gian cho việc chỉnh sửa, khoảng thời gian ban đầu, dự án chỉ phục dựng được với tốc độ khoảng 100 bức ảnh trong 2 tháng. Tuy vậy, quá trình phục dựng ảnh đã có bước tiến vượt bậc nhờ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) từ tháng 7/2023.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO của Hyratek, đơn vị hỗ trợ hệ thống và hạ tầng AI phục vụ cho dự án, việc sử dụng AI trong phục dựng ảnh đã giảm đáng kể thời gian và công sức.
Nếu như trước đây, một bức ảnh phục dựng thủ công có thể mất đến vài ngày, thì nay với AI, chỉ cần 2-3 tiếng, hoặc thậm chí 10-15 phút với những bức ảnh ít bị hư hỏng. Không chỉ tiết kiệm thời gian, AI còn đảm bảo chất lượng ảnh phục dựng đồng đều, rõ nét và tự nhiên hơn so với phương pháp thủ công.
Nhờ sự hỗ trợ của AI, dự án đã có bước tiến vượt bậc. Quy trình phục dựng 6 bước ban đầu nay chỉ còn lại 2 bước cần thực hiện thủ công, đó là xử lý ảnh đầu vào khi ảnh gốc quá mờ, AI không thể nhận diện và tinh chỉnh lại các chi tiết thừa.
Công cụ này không thể thay thế mà chỉ hỗ trợ con người trong việc phục dựng, nhưng AI giúp tiết kiệm khoảng 80% thời gian và công sức so với việc phải phục dựng thủ công hoàn toàn.
Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức trong việc ứng dụng AI vào phục dựng ảnh liệt sĩ. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, AI giúp phục dựng ảnh nhanh và chính xác hơn, nhưng hạ tầng AI hiện quá đắt, khó có đủ nguồn lực để huy động hạ tầng AI cho công việc ý nghĩa này. Do vậy, Hyratek và một số đối tác đã quyết định đồng hành cùng dự án.
Trên thực tế, để tiến hành phục dựng, dự án cần 5 tham số là một bức ảnh đầu vào, tuổi nhân vật trong ảnh, giới tính, biểu cảm, mô tả trang phục. Từ những thông tin đó, thông qua hệ thống phần mềm, AI có thể xử lý ra được kết quả.
Ảnh gốc có độ phân giải lớn hơn 1 Megapixel và còn tối thiểu 50% chi tiết khuôn mặt đều có thể ứng dụng công nghệ AI để xử lý. Do vậy, có trường hợp người nhà dùng điện thoại chụp lại ảnh liệt sĩ, hình ảnh gốc ban đầu vừa bị lóa, vừa mất nét, vừa không rõ chi tiết, nhưng nhờ công nghệ AI vẫn có thể ra được kết quả.
“Khi chúng tôi phục dựng và trao lại ảnh cho một số gia đình liệt sĩ, họ rất xúc động bởi từ một bức ảnh rất mờ, thiếu nét, thậm chí chính người nhà còn không nhớ được hình ảnh người thân của mình trông thế nào, cuối cùng lại ra được bức ảnh sắc nét như chụp trực tiếp. Đây là động lực khiến chúng tôi thấy cần thúc đẩy công việc này nhiều hơn nữa”, đại diện nhóm Màu Hoa Đỏ cho biết.
Việc đưa công nghệ AI vào phục dựng ảnh liệt sĩ được đánh giá giúp quá trình phục dựng nhanh hơn, đáp ứng được mong mỏi của các gia đình, thân nhân liệt sĩ.
Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, dự án hướng tới việc phục dựng ảnh cho toàn bộ các liệt sĩ trên địa bàn Thủ đô. Mục tiêu trước mắt là đáp ứng hết tất cả các đăng ký của thân nhân liệt sĩ có nhu cầu phục dựng ảnh.