Phục dựng xe cổ: Thú chơi kỳ công nhưng ngày càng thu hút người trẻ Việt - 1

Cặp đôi xe cổ Volkswagen Beetle sản xuất năm 1963 - 1968 được "hồi sinh" lại vẻ đẹp ban đầu (Ảnh: An Quốc).

Không ồn ào như chơi siêu xe, những người đam mê chơi và phục dựng xe cổ vẫn thầm lặng duy trì niềm yêu thích của mình suốt nhiều năm qua. Với thú này, niềm đam mê thôi là chưa đủ mà còn phải có cả tài chính và thời gian. Đặc biệt, để có thể "hồi sinh" những chiếc xe có tuổi đời cả nửa thế kỷ, người chơi xe cũng phải có "cái duyên" với thú này.

Trò chuyện với PV Dân trí, anh An Quốc (TPHCM), một người chuyên phục dựng những chiếc xe cổ, chia sẻ : "Từ nhỏ, tôi đã có niềm đam mê âm nhạc, hội họa và kiến trúc cổ điển và đây cũng là cái duyên dẫn tôi đến với xe ô tô cổ, mở gara và phục dựng nó".

Phục dựng xe cổ: Thú chơi kỳ công nhưng ngày càng thu hút người trẻ Việt - 2

Chiếc Peugeot 404 trở lại vẻ nguyên bản, mang đậm phong cách cổ điện những năm 60 thế kỷ trước (Ảnh: An Quốc).

Bên cạnh công việc chính là làm giám đốc cho một công ty hoạt động về lĩnh vực âm nhạc, An Quốc vẫn dành thời gian cho thú vui này, sở hữu cho mình một gara riêng để "hồi sinh" những chiếc xe, thỏa mãn niềm đam mê xe cổ.

Phục dựng xe ô tô cổ - Đam mê vẫn chưa đủ

Phục dựng một chiếc xe cổ, bên cạnh có niềm đam mê, người chơi xe cần phải có sự kiên nhẫn. Một chiếc xe có tuổi đời lên đến 60 năm thì sẽ không còn nguyên vẹn. Trong quá trình phục dựng, sẽ có những bộ phận, chi tiết trên xe không thể mua được, nên phục dựng chiếc xe mới hoàn toàn, nguyên bản là điều rất khó.

Phục dựng xe cổ: Thú chơi kỳ công nhưng ngày càng thu hút người trẻ Việt - 3

Từ những chiếc xe cũ kỹ, dưới bàn tay người thợ, những chiếc xe được trở lại vẻ đẹp thuở ban đầu (Ảnh: An Quốc).

Vì vậy, trong quá trình làm mới chiếc xe mà không có sự kiên nhẫn thì không thể làm ra được một chiếc xe hoàn chỉnh, ưng ý. Bên cạnh đó, phục dựng xe cổ mất rất nhiều thời gian, người "chơi xe" phải có tài chính.

Trung bình sẽ mất khoảng 3-6 tháng để lên kế hoạch và phục dựng một chiếc xe. Cũng có những xe không có phụ tùng linh kiện, trong quá trình phục dựng phải đặt hàng bên nước ngoài sau đó mới đem về làm nên thời gian phục dựng một chiếc xe có thể lên tới 2-3 năm.

Chi phí để phục dựng một chiếc xe thì rất "vô biên", tùy theo mong muốn của chủ nhân muốn đầu tư vào "con cưng" của mình mà mức giá dao động từ vài trăm triệu lên đến cả tỷ đồng.

Tìm mua xe cổ để phục dựng: Gian truân

Để mua một chiếc xe cổ để phục dựng lại là điều không hề dễ dàng. Nếu không đặt ra những tiêu chí khi lựa chọn chiếc xe, sẽ rất khó khăn và tốn kém trong quá trình "hồi sinh" cho chiếc xe đó.

Phục dựng xe cổ: Thú chơi kỳ công nhưng ngày càng thu hút người trẻ Việt - 4

Chiếc Toyota Publica 800 sản xuất năm 1967 tiêu tốn gần 1 năm của chủ xe để phục dựng lại (Ảnh: An Quốc).

"Khi tôi mua một chiếc xe thì tôi sẽ chọn ra những chiếc xe mà không được "lai" quá nhiều phụ tùng, linh kiện phải đầy đủ từ nội thất đến ngoại thất, cũng như vỏ xe không quá mục nát thì khi làm lại sẽ đỡ được nhiều thời gian và tiền bạc", anh An Quốc cho biết.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm được một chiếc xe cổ để mua về phục dựng, nhiều người đam mê không quản ngại, vượt hàng trăm cây số xuyên đêm để có thể nhanh chân săn được chiếc xe mình yêu thích.

Phục dựng xe cổ: Thú chơi kỳ công nhưng ngày càng thu hút người trẻ Việt - 5

Mua được một chiếc xe cổ để phục dựng rất khó khăn với người chơi, vấn đề sang tên đổi chủ cho chiếc xe cũng rất phức tạp (Ảnh: An Quốc).

Một người đam mê xe cổ chia sẻ : "Qua trao đổi thông tin từ các hội nhóm trên mạng xã hội, tôi biết được một chủ sở hữu chiếc xe cổ Peugeot 404 rao bán, ngay lập tức tôi đã xuyên đêm đi xe từ TPHCM tới Rạch Giá (Kiên Giang) để sáng hôm sau kịp đến nơi giao dịch sau khi biết chiếc xe tôi đang định mua chính chủ, phải nhanh thì mới có cơ hội được sở hữu nó".

Với những người yêu thích xe cổ, thời gian đầu với thú chơi này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, vì nhiều lý do như chưa quen biết được nhiều người trong giới xe cổ, cũng như kinh nghiệm còn hạn chế.

Với anh An Quốc, thời gian đầu khi mua được những chiếc xe cổ để phục dựng thì cả tháng vẫn chưa làm được vì tìm thợ rất khó, chưa kể thủ tục pháp lý sang tên đổi chủ cũng rất nhiều thời gian, khó khăn.

Mặt khác, trong năm vừa qua, diễn biến dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều hạn chế, nên có những chiếc xe mua từ tháng 3/2021 đến tháng 9 mới hoàn thành cơ bản để chiếc xe có thể lăn bánh trên đường.

Phục dựng xe cổ: Thú chơi kỳ công nhưng ngày càng thu hút người trẻ Việt - 6

Chiếc Peugeot 404 khoe vẻ đẹp trên đường phố Sài Gòn sau hơn 9 tháng phục dựng (Ảnh: An Quốc).

Khi lên kế hoạch và hoàn thiện cho một chiếc xe, rất vất vả đối với cả các kỹ sư và thợ máy vì đối với những mẫu xe cổ, tìm được phụ kiện thay thế cho phù hợp rất khó khăn. Trong khi đó, những người chơi thú vui này đều muốn chiếc xe mình được phục dựng nguyên bản so với ban đầu.

"Những chiếc xe sau khi mua về đều được đặt mục tiêu phải phục dựng làm sao cho nó gần giống bản gốc nhất có thể. Điều này, đòi hỏi quá trình đầu tư về thời gian, tài chính, có những phụ kiện không tìm được tại Việt Nam đành phải đặt hàng từ nước ngoài mang về với chi phí đắt đỏ và chấp nhận chờ đợi", một người chơi xe cổ cho biết.

Thú chơi xe cổ đang dần trẻ hóa

Trước đây, người ta thường có tư duy về xe cổ chỉ dành cho những người lớn tuổi, hay người giàu có. Nhưng trong vài năm gần đây, với sự phát triển của kinh tế thì người trẻ cũng có sự quan tâm rất nhiều.

Phục dựng xe cổ: Thú chơi kỳ công nhưng ngày càng thu hút người trẻ Việt - 7

Chiếc Toyota Corona đời 1964 bên cạnh Dinh tỉnh trưởng Gò Công mang kiến trúc cổ điển Pháp (Ảnh: An Quốc).

Chủ gara phục dựng xe cũ cho hay: "Những năm gần đây, khi người ta đã quá quen thuộc với những mẫu xe hiện đại, thì bắt đầu chuyển hướng sang xe cổ. Đặc biệt lĩnh vực điện ảnh và những MV âm nhạc của các ca sĩ trẻ gần đây đã sử dụng những mẫu xe cổ để gợi lại những ký ức vàng son, mang giá trị lịch sử. Tôi tin rằng, trong vòng 2-3 năm tới thì sẽ có thêm nhiều người trẻ chơi xe cổ".

Theo anh An Quốc, mỗi chiếc xe cổ hoàn thiện cũng như một tác phẩm âm nhạc. Quá trình luyện tập rất là cực khổ, ngày này qua ngày khác, có đôi khi phải mất vài tháng mình mới thấm được nó và đưa tới cho công chúng.

Phục dựng xe cổ: Thú chơi kỳ công nhưng ngày càng thu hút người trẻ Việt - 8

Ngày càng có nhiều người trẻ có niềm yêu thích với xe ô tô cổ, sử dụng nó hàng ngày trong cuộc sống (Ảnh: An Quốc).

"Đôi khi phục dựng xong rồi xe không chạy, hay các tiện nghi trên xe không hoạt động thì lại phải "truy vết" và khắc phục rất vất vả," anh An Quốc cho biết thêm.

Câu chuyện về xe cổ có lẽ còn dài, bởi mỗi chiếc xe đều mang một giá trị, ý nghĩa khác nhau và câu chuyện phục dựng lại chiếc xe từ người chủ chắc chắn còn nhiều điều thú vị. Những người chơi xe cổ đối với họ chiếc xe không chỉ làm họ thỏa mãn niềm đam mê mà nó là một "đứa con tinh thần" đồng hành cùng họ trong cuộc sống và trên mỗi chuyến đi!

Theo Dân trí

Bạn hài lòng hay thất vọng với chiếc xe đầu tiên của mình? Hãy chia sẻ câu chuyện mua ô tô lần đầu tiên của mình tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Xế cổ Honda Accord lột xác dưới bàn tay người thợ Sài Gòn

Xế cổ Honda Accord lột xác dưới bàn tay người thợ Sài Gòn

Nhờ kiến thức sâu rộng về xe cộ cùng với loạt phụ tùng chất lượng, chiếc Honda Accord 1993 EX bản tùy chỉnh của người thợ Sài Gòn trở nên khỏe khoắn hơn, mang đậm chất thể thao.