Sáng nay (23/5), phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ AIC tiếp tục với phần tranh luận. Đại diện VKS trình bày quan điểm. Theo đại diện VKS, tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội.
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) tại cấp sơ thẩm đã được tòa án áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn ăn hỗi lỗi, tích cực hợp tác với CQĐT, có nhiều thành tích… Tuy nhiên, bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên.
Đại diện VKS đánh giá, bị cáo Vũ đã tích cực tác động gia đình khắc phục hậu quả 500 triệu đồng, được Sở Y tế Đồng Nai có đơn xin giảm nhẹ hình phạt nên có cơ sở giảm nhẹ tội cho bị cáo ở tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng với mức giảm 30- 36 tháng tù.
Trước đó, phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phan Huy Anh Vũ 10 năm tù vì tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; 9 năm Nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt là 19 năm tù.
Luật sư của bị cáo Vũ cho rằng, đại diện VKS chưa xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ hình phạt của nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Đối với các bị cáo Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm hồ sơ - Ban Quản lý Dự án 1 Công ty AIC), Lê Thị Hương (nguyên Phó ban Kế toán Công ty AIC), Huỳnh Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân), Vũ Quang Ngọc (nguyên Phó Giám đốc Công ty Medicosult Việt Nam), đại diện VKS cho rằng, các bị cáo này đều thành khẩn khai báo, cung cấp thông tin có giá trị cho CQĐT, nhân thân tốt…
Dù không bị cấp sơ thẩm tuyên phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đã tích cực vận động gia đình khắc phục số tiền 100- 200 triệu đồng. Vì vậy, có cơ sơ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo trên.
Riêng bị cáo Lê Thị Hương, khi cân nhắc các yếu tố đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, đại diện VKS có nhắc đến việc bị cáo có con trai 14 tuổi đạt thành tích cao trong các cuộc thi toán quốc tế, việc có mặt của bị cáo ở nhà để động viên con là cần thiết...
Đại diện VKS đề nghị chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Tuân, Ngọc, cho 2 bị cáo này được giảm án. Riêng bị cáo Lê Thị Hương và Tuấn Anh, đại diện VKS đề nghị cho giảm nhẹ hình phạt, giữ nguyên án cũ nhưng chuyển thành án treo.
Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt: Lê Chí Tuân: 3 năm tù; Lê Thị Hương: 36 tháng tù; Huỳnh Tuấn Anh: 30 tháng tù; Vũ Quang Ngọc: 3 năm, 6 tháng tù.
Đối với bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty AIC), đại diện VKS đề nghị bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nga nhận tội nhưng cho rằng mình không phải là người chủ mưu, hành vi phạm tội không có tổ chức, việc quy trách nhiệm cho bị cáo như bản án sơ thẩm là quá lớn. Về phần dân sự, bị đơn dân sự đã nhận trách nhiệm bồi thường nên việc bản án sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường 15 tỷ đồng là không hợp lý.
Quan điểm của đại diện VKS cho rằng, ở cấp sơ thẩm bị cáo Nga đã được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, bị cáo phải chịu 2 tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức và phạm tội 2 lần trở lên.
Bản án sơ thẩm đã áp dụng đúng tội danh, đúng trách nhiệm dân sự đối với bị cáo. Tại phiên tòa cấp sơ thẩm, bị cáo không cung cấp thêm được tình tiết mới nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bà Nga mức án 12 năm tù vì tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với kháng cáo phần dân sự của Công ty AIC, đại diện VKS đề nghị bác kháng cáo. Theo quan điểm của đại diện VKS, dù Công ty AIC tự nguyện bồi thường cho nguyên đơn dân sự là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nhưng Công ty AIC không còn tài sản đảm bảo để thi hành án. Vì vậy, bản án sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty AIC, buộc công ty này bồi thường 15 tỷ đồng là hợp lý.
Trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ mưu, cầm đầu nên bản án sơ thẩm buộc bị cáo Nhàn phải bồi thường hơn 103 tỷ đồng; bị cáo Nga phải liên đới bồi thường 15 tỷ đồng là hợp lý.