Bộ GD-ĐT vừa chốt phương án thi tốt nghiệp THPT với 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
NGND.PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, nguyên giảng viên cao cấp Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ biên Chương trình môn Tin học 2018, ủng hộ quyết định này của Bộ GD-ĐT. Ông cho rằng đây là phương án “hợp ý Đảng, hợp lòng dân” vì có nhiều ưu điểm vượt trội, vừa tiết kiệm lại không gây áp lực cho người học.
Bên cạnh đó, phương án này cho phép học sinh được tự do lựa chọn những môn học và thi theo khả năng, nguyện vọng. Điều này tránh sự áp đặt “thi gì, học nấy” đã thống trị nhiều năm qua.
“Tăng 1 môn thi bắt buộc sẽ tăng áp lực cho học sinh, gây tốn kém chi phí tổ chức. Kéo theo đó làm gia tăng việc dạy thêm, học thêm tràn lan làm tăng gánh nặng cho phụ huynh, học sinh và xã hội”, ông Đàm nêu quan điểm.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, theo PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, một việc quan trọng cần làm ngay là các trường đại học phải sớm công bố tổ hợp các môn tuyển sinh cho tất cả các ngành đào tạo.
Việc này giúp học sinh, phụ huynh biết trước các tổ hợp môn tuyển sinh của từng ngành đào tạo, từ đó sớm lựa chọn môn học phù hợp hơn với nghề nghiệp tương lai mà học sinh đã lựa chọn để học, để thi. Các trường đại học nhờ đó cũng có được nguồn ứng viên đầu vào chất lượng, đã được trang bị nền tảng kiến thức vững vàng và cả tâm lý, định hướng tương lai ngay từ bậc THPT học sinh đã lựa chọn theo nguyện vọng và phù hợp với năng lực.
Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, khi biết sớm các tổ hợp xét tuyển và các tổ hợp môn Đánh giá năng lực để xét tuyển đại học sẽ kịp thời điều chỉnh, xác định được tổ hợp môn hợp lý cho học sinh lựa chọn.
“Trước nay các trường THPT chỉ xây dựng tổ hợp môn học dựa trên tổ hợp môn tuyển sinh đại học chứ chưa gắn với việc đào tạo nghề ở bậc đại học.
Ví dụ tuyển sinh vào các trường đại học thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, Kỹ thuật nhưng trong các tổ hợp môn tuyển sinh lại không có Tin học và Công nghệ. Điều đó dẫn tới việc nhà trường coi đây là môn phụ, xem nhẹ việc dạy và học. Chất lượng đầu vào tuyển sinh những ngành này vì thế không đảm bảo. Đây là một bất cập lớn và là nghịch lý”, ông Đàm nói.
Do đó theo ông, Chương trình 2018 nói chung và Phương án thi tốt nghiệp 2+2 đã mở ra cơ hội lớn tác đông tích cực gắn kết giáo dục phổ thông với giáo dục đại học tạo thành hệ thống giáo dục thống nhất.
Điều này giúp nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông, thể hiện thực học, thực nghiệp, góp phần tạo nguồn tuyển sinh có chất lượng thực sự. Trên cơ sở đó, Giáo dục phổ thông cùng các trường đại học đào tạo cho đất nước nguồn nhân lực có chất lượng cao.
GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cũng nhìn nhận phương án này vừa giảm áp lực, căng thẳng cho người học, vừa đỡ tốn kém cho xã hội. Hơn nữa, phương án cũng đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực, sở trường của từng học sinh.
Hai môn bắt buộc là những môn học nền tảng phát triển tư duy logic, ngôn ngữ, giáo dục đạo đức, bồi dưỡng cảm xúc, tâm hồn con người và hình thành năng lực giao tiếp.
Hai môn thi còn lại tùy vào sự lựa chọn của học sinh sao cho phù hợp với sở thích, sở trường và định hướng nghề nghiệp, từ đó kỳ thi cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Trong tương lai, ông Thành kỳ vọng Bộ GD-ĐT thành lập được các trung tâm khảo thí đánh giá năng lực ở các địa phương, thí sinh có thể chỉ cần thi tập trung 2 môn Toán và Ngữ văn.
Với các môn thi còn lại, thí sinh có thể thi vào những thời điểm khác nhau trong năm, thậm chí có thể chọn thi nhiều lần. Bằng cách này, học sinh được đánh giá năng lực ở tất cả các môn học, được ghi nhận kết quả và có thể sử dụng để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Hồi hộp chờ đợi phương án thi tốt nghiệp THPT, Đỗ Đức Phúc (học sinh lớp 11, Trường THPT Bắc Đông Quan, Thái Bình) vui mừng khi Bộ GD-ĐT chốt phương án thi gồm 4 môn. Phúc cho biết nguyện vọng của em là thi vào ngành Kỹ thuật ôtô.
Không có thế mạnh về Ngoại ngữ, phương án này cho phép em đăng ký những môn mình thích và phù hợp với ngành nghề bản thân mong muốn theo đuổi sau này.
“Em nghĩ rằng việc học Ngoại ngữ trong tương lai sẽ trở thành nhu cầu của mỗi cá nhân khi cần. Do đó, mình có thể học mọi lúc, mọi nơi chứ không nhất thiết “phải thi để học sinh học”. Phương án thi 2+2 cũng sẽ nhẹ nhàng hơn, giảm áp lực; học sinh được học và thi theo năng lực, sở thích, sở trường thay vì “bắt con cá phải leo cây” không cần thiết”, Phúc nói.
Nam sinh cũng mong, sau khi Bộ GD-ĐT chốt phương án, các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh và các tổ hợp môn thi cho các học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông 2018 lựa chọn tổ hợp ôn tập phù hợp.
Thúy Nga- Sơn Ca