Năm 2024, Trường ĐH Công Thương TP.HCM sẽ xét tuyển theo 4 phương thức. Trong đó phương thức 1 là xét tuyển bằng học bạ THPT lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 với mức điểm từ 20 điểm trở lên cho 20% - 30% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 2 là xét tuyển bằng đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức với mức điểm từ 650 điểm cho các ngành Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Marketing và ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc và 600 cho các ngành khác cho 10% - 15% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 3 là xét tuyển thẳng cho các thí sinh loại giỏi các năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 và có điểm môn Tiếng Anh từ 8 trở lên cho tối đa 10% chỉ tiêu. Phương thức 4 là xét tuyển bằng điểm thi THPT từ 50% - 60% tổng chỉ tiêu
Năm 2024, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM giữ định hướng tuyển sinh với các phương thức tuyển sinh trong các năm gần đây, trong đó phương thức kết hợp là phương thức chủ đạo.
Phương thức này kết hợp đánh giá thí sinh với 3 yếu tố gồm học tập (với các điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học THPT), thành tích học tập/khoa học và hoạt động văn thể mỹ-đóng góp cộng đồng. Về năng lực học tập, thành phần điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức chiếm tỉ trọng cao nhất.
Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng sẽ tuyển sinh các phương thức khác bao gồm như: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT; Ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường THPT năm 2024 theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM theo danh sách các trường THPT trong cả nước;
Bên cạnh đó, trường xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh; Xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn đối với thí sinh dự tính du học nước ngoài cho chương trình chuyển tiếp quốc tế.
Nhà trường sẽ mở thêm ngành Thiết kế Vi mạch, Kinh tế Xây dựng, Địa kỹ thuật Xây dựng, Khoa học dữ liệu. Đây là các ngành đáp ứng nhu cầu mới của đất nước (vi mạch), phát triển kinh tế (kinh tế xây dựng) và đảm bảo hạ tầng cơ sở vật chất (địa kỹ thuật xây dựng).
Ngoài ra, trường sẽ mở tuyển sinh thêm các chuyên ngành hấp dẫn mới là Hoá dược (đã đào tạo), Hoá Mỹ phẩm (phát triển từ hướng ngành hẹp đã có, đã được đầu tư cơ sở vật chất mạnh và sự phối hợp xây dựng chương trình đào tạo với sự hỗ trợ từ dự án của Chính phủ Hàn Quốc), Quản lý dự án xây dựng (đã đào tạo bậc thạc sĩ). Đây là các chuyên ngành thế mạnh của nhà trường, đã được doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng.
Trong khi đó, Trường ĐH Luật TP.HCM chính thức tuyển sinh theo hai phương thức, trong đó phương thức 1 là tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường với 45% tổng chỉ tiêu. Phương thức này dành cho 3 đối tượng, trong đó đối tượng 1 là tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh thuộc diện “được tuyển thẳng” theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Trường ĐH Luật TP.HCM quy định môn Văn, Toán và tiếng Anh đối với ngành Quản trị - Luật, ngành Quản trị kinh doanh, ngành Luật, ngành Luật thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh; Môn tiếng Nhật và tiếng Pháp đối với ngành Luật; Môn Lý đối với ngành Quản trị - Luật, ngành Quản trị kinh doanh, ngành Luật và ngành Luật thương mại quốc tế; Môn Hóa đối với ngành Quản trị - Luật, ngành Quản trị kinh doanh, ngành Luật; Môn Sử đối với ngành Luật và ngành Ngôn ngữ Anh; Môn Địa đối với ngành Luật.
Đối tượng 2 là xét tuyển sớm thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật. Những chứng chỉ này nếu có quy định về thời hạn thì phải còn giá trị đến ngày 30/6/2024.
Đối với tiếng Anh, IELTS đạt điểm từ 5,5 trở lên (do British Council (BC) hoặc International Development Program (IDP) cấp) hoặc TOEFL iBT đạt điểm từ 65 trở lên (do Educational Testing Service (ETS) cấp).
Đối với tiếng Pháp, trường chỉ xét tuyển đối với ngành Luật, chứng chỉ DELF đạt từ trình độ B1 trở lên hoặc chứng chỉ TCF đạt điểm từ 300 trở lên/ kỹ năng trở lên. Hai loại chứng chỉ này phải do Trung tâm Nghiên cứu Sư phạm quốc tế (Centre International d’Etudes Pedagogiques - CIEP) cấp.
Đối với tiếng Nhật, Trường ĐH Luật TP.HCM chỉ xét tuyển đối với ngành Luật), chứng chỉ JLPT đạt từ trình độ N3 trở lên (do Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation - JF) cấp, trong kỳ thi năng lực tiếng Nhật).
Thứ ba, học sinh có điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (gồm năm lớp 10, Lớp 11 và học kỳ 1 năm Lớp 12) của 3 môn thuộc Tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên.
Khi có thí sinh đạt đủ các điều kiện theo quy định nêu trên nhiều hơn so với tổng chỉ tiêu của phương thức 1, nhà trường sẽ xét trúng tuyển theo theo thứ tự ưu tiên: Điểm của Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; Điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển; Điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT của môn chính thuộc tổ hợp xét tuyển; riêng tổ hợp D00, môn chính là Ngữ văn.
Đối tượng 3 là xét tuyển sớm, thí sinh học tại các trường THPT chuyên, năng khiếu và các trường THPT có điểm trung bình trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT cao nhất theo Danh sách “Các trường THPT thuộc diện được ưu tiên xét tuyển sớm năm 2024 của Đại học Quốc gia TP.HCM".
Thí sinh phải thoả mãn các điều kiện đã tốt nghiệp THPT; phải học đủ 3 năm tại các trường có tên trong “Danh sách các trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển sớm năm 2024 của Đại học Quốc gia TP.HCM"; Có kết quả học tập của từng năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12 được xếp loại giỏi và có tổng điểm trung bình năm học của 3 năm THPT đạt tổng điểm từ 24,5 trở lên; Có điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (gồm năm Lớp 10, Lớp 11 và học kỳ 1 năm Lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 24,5 trở lên.
Khi có thí sinh đạt đủ các điều kiện theo quy định nêu trên nhiều hơn so với tổng chỉ tiêu của phương thức 1, nhà trường sẽ xét trúng tuyển theo theo thứ tự ưu tiên: Tổng điểm trung bình năm học của 3 năm THPT lớp 10, lớp 11 và lớp 12; Điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển; Điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT của môn chính thuộc tổ hợp xét tuyển; riêng Tổ hợp D00 thì môn chính là Ngữ văn.
Phương thức 2 là xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với 55% tổng chỉ tiêu. Nhà trường không sử dụng kết quả miễn thi đối với môn thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và không sử dụng điểm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước đó để xét tuyển.
Điểm trúng tuyển được xác định theo nguyện vọng đăng ký “từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu” để số lượng tuyển được theo từng ngành phù hợp với số lượng chỉ tiêu đã công bố và không thấp hơn “ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào”.
Điểm trúng tuyển được xét bình đẳng, chỉ dựa vào tiêu chí là điểm xét tuyển, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký; không sử dụng tiêu chí phụ để chọn thí sinh trúng tuyển (trong trường hợp có nhiều thí sinh có cùng điểm xét tuyển ở cuối danh sách). Điểm xét trúng tuyển được xác định theo ngành và theo từng tổ hợp môn xét tuyển.
ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong 2 đợt trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, đợt 1 dự kiến vào ngày 7/4 và đợt 2 vào ngày 2/6. Kỳ thi được tổ chức tại 23 địa điểm thi tại các tỉnh/thành phố gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Bạc Liêu, Bình Phước và Tây Ninh.
Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển như: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Kinh tế- Luật, Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Quốc tế, Khoa Y, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Nhiều trường đại học khác cũng sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. Năm vừa rồi, khoảng 90 các trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển.