Năm 2023, trường có 5 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Xét tuyển thẳng; Xét học bạ THPT; Thi tuyển; Kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xét tuyển thẳng các thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng được quy định tại khoản 1, 2, điều 8 của Quy chế tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ GD-ĐT (gọi tắt là diện XTT1). Thí sinh phải nộp hồ sơ trực tiếp tại trường.
Ưu tiên cộng điểm hoặc phỏng vấn xét tuyển thẳng nếu thí sinh có viết bài luận đạt kết quả tốt.
- Phương thức tuyển sinh 1 (PT1): Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 để xét tuyển.
Đối tượng tuyển sinh là thí sinh đã tốt nghiệp THPT và có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc THPT đạt loại Khá trở lên.
Thời gian và hình thức đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Nguyên tắc xét tuyển theo từng ngành, từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu dựa theo tổng điểm thi 3 môn (bao gồm cả môn thi chính nhân hệ số 2 (nếu có) của tổ hợp đăng ký xét tuyển và điểm ưu tiên (nếu có) theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành).
- Phương thức tuyển sinh 2 (PT2): Xét tuyển thẳng các thí sinh là học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi; học sinh các trường THPT chuyên, học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế (gọi tắt là diện XTT2).
Điều kiện đăng ký xét tuyển: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm 2023 có hạnh kiểm tất cả các học kỳ đạt loại Tốt, có học lực giỏi cả 3 năm ở bậc THPT và phải thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
a.1. Thí sinh là học sinh thuộc đội tuyển cấp tỉnh/thành phố hoặc đội tuyển của trường THPT chuyên trực thuộc các trường ĐH tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
a.2. Thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố/trường ĐH ở bậc THPT.
a.3. Thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên hoặc các trường THPT trực thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM.
a.4. Thí sinh là học sinh các trường THPT khác đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: IELTS hoặc TOEFL iBT hoặc TOEIC; DELF hoặc TCF; HSK và HSKK; chứng chỉ Tin học quốc tế MOS (thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023).
Nguyên tắc xét tuyển: Xét tuyển lần lượt theo thứ tự ưu tiên bắt đầu từ a.1, nếu còn chỉ tiêu sẽ xét tiếp lần lượt đến a.2, a.3, a.4 cho đến hết chỉ tiêu. Đối với thí sinh đáp ứng điều kiện từ a.2 đến a.4, xét theo tổng điểm trung bình chung cả năm lớp 10, 11, 12 của môn học hoặc tổ hợp môn học ở bậc THPT theo quy định của mỗi ngành (đã cộng điểm ưu tiên, nếu có theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành).
- Phương thức tuyển sinh 3 (PT3): Xét học bạ THPT (gọi tắt là diện XTT3).
Điều kiện đăng ký xét tuyển:
+ Đối với các ngành đào tạo giáo viên: Thí sinh là học sinh tốt nghiệp THPT năm 2023 có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc THPT đạt loại Tốt và học lực 3 năm đạt từ Giỏi trở lên. Riêng đối với ngành Sư phạm tiếng Pháp, nếu thí sinh là học sinh hệ song ngữ tiếng Pháp thì điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại Giỏi; đối với ngành Sư phạm Công nghệ, điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại Giỏi;
+ Đối với các ngành khác (ngoài sư phạm): Thí sinh là học sinh tốt nghiệp THPT năm 2023 có hạnh kiểm tất cả các học kỳ và học lực 3 năm ở bậc THPT đạt từ Khá trở lên.
Nguyên tắc xét tuyển: Xét tổng điểm trung bình chung cả năm lớp 10, 11, 12 của môn học hoặc tổ hợp các môn học theo quy định của mỗi ngành (đã cộng điểm ưu tiên, nếu có theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành). Trước hết, xét các thí sinh thuộc diện XTT2 theo nguyên tắc xét tuyển của PT2, sau đó xét đến các thí sinh diện XTT3 (nếu còn chỉ tiêu).
- Phương thức tuyển sinh 4 (PT4): Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục Mầm non và Giáo dục Mầm non - Sư phạm Tiếng Anh. Kết hợp sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 hoặc kết quả học bạ với kết quả thi năng khiếu tại trường.
Điều kiện đăng kí xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT và có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc THPT đạt loại Khá trở lên.
Nguyên tắc xét tuyển theo từng ngành, từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu dựa theo tổng điểm thi 3 môn hoặc tổng điểm thi 2 môn thi năng khiếu đối với thí sinh sử dụng kết quả học bạ kết hợp với kết quả thi năng khiếu tại trường (đã nhân hệ số 2 (nếu có) của tổ hợp đăng ký xét tuyển và điểm ưu tiên, nếu có theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành).
- Phương thức tuyển sinh 5 (PT5): Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hoặc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức thi trước ngày 15/5/2023 kết hợp với kết quả học THPT.
Điều kiện đăng kí xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc THPT từ loại Khá trở lên và điểm trung bình chung của 5 học kỳ (học kỳ 1, 2 lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) từ 6.5 trở lên.
Nguyên tắc xét tuyển theo từng ngành dựa theo kết quả thi đánh giá năng lực 2 môn (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên, nếu có theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành). Đối với các ngành có thi năng khiếu, xét theo tổng điểm các môn thi năng khiếu tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với các môn thi đánh giá năng lực (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên, nếu có theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành). Thí sinh lưu ý quy định các môn thi đánh giá năng lực của từng ngành và quy định các môn thi năng khiếu đối với các ngành có môn thi năng khiếu.
Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến các ngành theo từng phương thức tuyển sinh xem Tại đây.
Nhà trường sẽ thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đối với các ngành đào tạo giáo viên (sư phạm) và các ngành đào tạo khác sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023.