'Số thí sinh trúng tuyển sớm vào các trường đại học chọn đăng ký nguyện vọng 1 chỉ chiếm 32.2%. Điều này chứng tỏ số lượng ảo rất nhiều, còn khoảng 70%'.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối Giáo dục đại học, chiều 26/8, do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, cho biết số thí sinh thi tốt nghiệp THPT giảm vào năm 2023, nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 4,56% so với 2022.
Trong đó, số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống năm 2023 tăng 7,9% so với 2022; Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng 1 là 49,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển. Thí sinh trúng tuyển ở 3 nguyện vọng đầu tiên chiếm 74,9% số thí sinh đăng ký xét tuyển, còn trúng tuyển ở 5 nguyện vọng đầu tiên là 85,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển.
Bà Thuỷ cho hay trung bình 1 thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng. Tuy nhiên số thí sinh trúng tuyển sớm chọn đăng ký nguyện vọng 1 chỉ chiếm 32.2%.
Điều này chứng tỏ số lượng ảo rất nhiều, còn khoảng 70%. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo. Do vậy các trường cần cân nhắc đến phương án xét tuyển này.
Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cũng lưu ý hiện nay thí sinh đang trong giai đoạn xác nhận nhập học trực tuyến do vậy các trường cần được nhắc nhở, đôn đốc, thực hiện đúng thời gian theo quy định.
Một điểm đáng lưu ý là năm 2023 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.
Ban hành 94 quyết định xử phạt, chủ yếu về công tác tuyển sinh
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho hay trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã ban hành 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo, duy trì điều kiện đã được mở ngành. Theo ông Cường vấn đề còn tồn tại hiện nay là nhiều cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo.
Theo thống kê trong 6 năm qua, có hơn 1.000 ngành đào tạo mở, trong đó, có trường 3 năm mở 27 ngành đào tạo.
Nhiều cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định chưa đảm bảo các điều kiện mở ngành, duy trì ngành đào tạo; chưa đảm bảo chuẩn chương trình đào tạo; tổ chức quản lý đào tạo các trình độ, các phương thức đào tạo thiếu chặt chẽ, không đảm bảo khối lượng giảng dạy; hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ…
Vượt qua Y Dược, Sư phạm, các ngành về máy tính như: Khoa học Máy tính, Kỹ thuật máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin... năm nay tiếp tục ''lên ngôi'' khi điểm chuẩn rất cao.
Hôm nay - ngày cuối các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn đại học 2023 và kết quả xét tuyển. VietNamNet tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất tới quý độc giả.