MU: Ronaldo đi không được, De Jong đến chẳng xong
Trong ngày chót phiên chợ hè 2022, đã không có bất ngờ nào lớn xảy ra. Ronaldo gây ầm ĩ suốt mùa hè vì đòi rời Old Trafford nhưng rốt cuộc là cảnh anh ngồi… dự bị MU chiến Leicester.
Không có cú ‘thoát hiểm’ cho siêu sao người Bồ vào giờ chót, như anh đã làm với Juventus hè năm ngoái để trở lại MU sau 12 năm.
Việc Ronaldo ở lại MU là câu trả lời rõ nhất cho thấy thời thế đã khác, không phải CR7 cứ muốn là được khi anh đang bước dần về tuổi 38.
Phiên chợ hè cũng đánh dấu, MU vội vã vung tiền trong những ngày cuối để trở thành CLB chi tiêu nhiều thứ 2 nhưng lại không có được mục tiêu số 1 De Jong được Erik ten Hag sớm xác định từ đầu.
Có lẽ Erik ten Hag sau cú choáng 2 trận thua đầu mùa, phải cảm ơn từ điều đó bởi nhờ thế lãnh đạo Quỷ đỏ buộc phải chi mạnh và quyết nhanh để mang về Casemiro (70 triệu bảng) và Antony (85 triệu bảng) cùng việc mượn thủ thành Martin Dubravka từ Newcastle.
Tổng cộng MU mang về 6 bản hợp đồng với tổng số tiền 224,7 triệu bảng, ngoài 2 ‘bom tấn’ trên thì còn Tyrell Malacia (13 triệu bảng), Lisandro Martinez (56,7 triệu bảng), Eriksen (chuyển nhượng tự do) và Dubravka (mượn).
Erik ten Hag thừa nhận, MU chi tiêu vượt kế hoạch và được ông lý giải bởi vì giá cả thị trường tăng. Tuy nhiên, người ta có thể hiểu mua sắm của Quỷ đỏ khá lúng túng và chỉ hành động gấp gáp khi về cuối giai đoạn chuyển nhượng.
Chi ra 224,7 triệu bảng nhưng MU chỉ thu về vỏn vẹn đúng 10 triệu bảng từ việc bán cầu thủ, đó là Andreas Pereira đến Fulham.
Chủ mới ra mắt, Chelsea mua sắm không tiếc tay
Tỷ phú người Mỹ, Todd Boehly trực tiếp bắt tay vào mua sắm tăng cường lực lượng cho đội hình của Thomas Tuchel đúng như lời hứa sẽ hỗ trợ hết mình cho nhà cầm quân này.
Và sau thời gian hoang mang Abramovich rao bán CLB, chờ chủ mới, Chelsea đã ‘đi sau’ trong mua sắm nhưng đã hoạt động mạnh mẽ và khép lại kỳ ‘đi chợ’ với tổng chi tiêu lên tới 260,6 triệu bảng, nhiều hơn bất cứ đội nào.
Các bản hợp đồng nổi bật của Chelsea có Fofana từ Leicester City (70 triệu bảng và là 80 triệu bảng nếu kể cả các khoản phụ phí), Cucurella (Brighton) 62 triệu bảng, Sterling từ Man City với 50 triệu bảng, Koulibaly 34 triệu bảng… Mua nhiều, nhưng Chelsea cũng chỉ thu về 24 triệu bảng từ việc bán cầu thủ.
Tottenham vượt Man City, Arsenal và Liverpool
Sau khi giành được suất vé dự Champions League, Chủ tịch Levy đã rót tiền cho HLV Conte mua sắm để tăng cường sức mạnh đội hình cho Tottenham.
Với 162,5 triệu bảng được chi ra, Conte đã có những bản hợp đồng đáng chú ý như Richarlison với giá 60 triệu bảng từ Everton, Cristian Romero 42 triệu bảng, Bissouma 25 triệu bảng, Djed Spence 20 triệu bảng,...
Trong khi đó, Man City là đội duy nhất hè này thu về (164,7 triệu bảng) từ việc bán cầu thủ nhiều hơn số tiền họ chi ra (143 triệu bảng) để mua sắm.
Nổi bật nhất là việc Man City có được Erling Haaland từ Dortmund với con số ít hơn người ta tưởng rất nhiều – 52 triệu bảng, rồi Kalvin Phillips 42 triệu bảng,…
Với Arsenal, đội duy nhất giữ mạch thắng 5 trận từ đầu mùa Premier League, cũng chi tiêu 119,5 triệu bảng và phần lớn nằm ở 2 viện binh từ Man City: Gabriel Jesus 45 triệu bảng, Zinchenko 32 triệu bảng, Fabio Vieira (Porto) 34 triệu bảng.
Còn Liverpool thì vẫn vậy, mua sắm chừng mực với thương vụ nổi bật nhất là Darwin Nunez từ Benfica với giá 64 triệu bảng, chưa kể phụ phí.
Thực tế, các ông chủ Liverpool cũng chỉ phải thêm có vài triệu để cho Klopp mua sắm, khi ngân sách bán cầu thủ có được là 71,4 triệu bảng nhưng họ cũng chỉ mua có 78,5 triệu bảng.