Tiếp tục mở ngành đào tạo mới và đổi mới các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường trong năm 2022.

Tại phiên họp gần nhất của Hội đồng Học viện, cùng với việc thông qua kế hoạch hoạt động năm 2022, các thành viên Hội đồng đã thông qua chủ trương mở ngành Công nghệ Internet vạn vật (IoT) và định hướng tuyển sinh ngành đào tạo mới này từ năm 2022. Hội đồng Học viện cho rằng, việc mở ngành đào tạo IoT là minh chứng cụ thể đóng góp của Học viện trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam. 

{keywords}
Các ngành IoT, Kỹ thuật dữ liệu, Báo chí số và Khoa học máy tính đang được Học viện mở và dự kiến tuyển sinh năm 2022.(Ảnh minh họa)

Theo dự thảo đề án, chương trình đào tạo ngành IoT của Học viện nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức toàn diện và hiện đại về IoT, kiến thức căn bản trong hội tụ điện tử - viễn thông - CNTT, những kỹ năng phù hợp với xu hướng phát triển của hệ thống, mạng, công nghệ và dịch vụ IoT, từ đó đáp ứng tốt nguồn nhân lực cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ICT và xã hội.

Chương trình đào tạo ngành IoT của Học viện dự kiến gồm 150 tín chỉ (chưa bao gồm khối lượng kiến thức Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và Kỹ năng mềm) với thời gian đào tạo là 4,5 năm (9 học kỳ), trong đó 8 học kỳ tích lũy kiến thức tại Học viện, 1 học kỳ thực tập thực tế tại các cơ sở và làm đồ án tốt nghiệp hoặc học môn thay thế tốt nghiệp. Kết thúc khóa học, sinh viên được công nhận tốt nghiệp và cấp bằng Đại học chính quy ngành IoT.

Cùng với ngành IoT, Học viện cũng đang xây dựng đề án mở ngành mới với các ngành Báo chí số, Kỹ thuật dữ liệu. Riêng với ngành mới Khoa học máy tính, Học viện mới thành lập Tổ xây dựng chương trình đào tạo ngành này, đề án sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới.

Với Báo chí số, PTIT cho biết, đây là ngành lai ghép giữa báo chí và công nghệ đa phương tiện (kỹ xảo - thiết kế - dữ liệu), hướng đến việc đào tạo nhân lực được trang bị kỹ năng số, có thể đảm nhiệm các vị trí công việc đa năng, đa nhiệm (All-in-One). Chương trình đào tạo đại học ngành Báo chí số được thiết kế với 133 tín chỉ (chưa bao gồm khối lượng kiến thức Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và Kỹ năng mềm) trong thời gian đào tạo 4 năm, tương đương 8 học kỳ.

Chương trình đào tạo ngành Báo chí số của Học viện được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí chính gồm: Tận dụng tối đa “chất xám công nghệ”, cân bằng giữa lý thuyết và thực hành - định hướng công nghệ trong lĩnh vực báo chí số; Phát huy lợi thế đi đầu trong đào tạo nhân lực ngành Báo chí số tại Việt Nam theo định hướng công nghệ; Đào tạo nhân lực ngành Báo chí số có năng lực làm việc chủ động với công nghệ, có khả năng học tập suốt đời và bám sát những thay đổi của công nghệ.

Đối với ngành Kỹ thuật dữ liệu, chương trình được định hướng thiết kế nhằm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực trình độ kỹ sư ngành Kỹ thuật dữ liệu trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển của nền kinh tế số. Khối kiến thức toàn khóa gồm 150 tín chỉ, không bao gồm Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và kỹ năng mềm.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật dữ liệu của Học viện sẽ có phẩm chất chính trị tốt, có đạo đức nghề nghiệp và sức khỏe tốt, có ý thức trách nhiệm cao trong cuộc sống; nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên môn sâu về kỹ thuật dữ liệu; đáp ứng yêu cầu của các tổ chức và xã hội về nghiên cứu phát triển và ứng dụng dữ liệu với các giải pháp kỹ thuật và công nghệ cập nhật; có khả năng tiếp tục học tập tại các bậc học cao hơn với năng lực học tập suốt đời.

Thời gian qua, PTIT đã liên tục đa dạng hóa các chương trình đào tạo, mở các ngành đào tạo mới trong lĩnh vực ICT, đặc biệt là các ngành đào tạo lai ghép để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Trước đó, vào năm 2011, Học viện là trường đại học đầu tiên mở ngành đào tạo Công nghệ đa phương tiện. Năm 2013, Học viện cũng là đơn vị đầu tiên được đào tạo ngành An toàn thông tin trình độ đại học. Tiếp đó, các ngành Truyền thông đa phương tiện, Thương mại điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ tài chính (Fintech)lần lượt được mở và tuyển sinh vào các năm 2015, 2017, 2020 và 2021. 

Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 song công tác tuyển sinh vẫn được PTIT tổ chức tốt, đảm bảo an toàn, nghiêm túc. Học viện đã tuyển sinh được 3.608 sinh viên vào 10 ngành đào tạo đại học chính quy gồm: CNTT, An toàn thông tin, Điện tử - Viễn thông, Quản trị kinh doanh, Kế toán tài chính, Công nghệ đa phương tiện, Marketing, Truyền thông đa phương tiện, Thương mại điện tử, Công nghệ tài chính.

Vân Anh

Sinh viên ngành Fintech của PTIT có cơ hội nhận bằng của Đại học Huddersfield

Sinh viên ngành Fintech của PTIT có cơ hội nhận bằng của Đại học Huddersfield

Dự kiến ngay trong năm 2022, các chương trình đào tạo liên kết ngành Công nghệ Tài chính (Fintech) giữa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) và Đại học Huddersfield, Vương quốc Anh sẽ bắt đầu tuyển sinh, đào tạo.