Thỏa thuận mới ký kết hướng tới mục tiêu khai thác thế mạnh của mỗi bên để cùng giải quyết các vấn đề thực tiễn trong lĩnh vực đào tạo, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực IoT.

PTIT và Lumi Việt Nam đã thống nhất hợp tác trong đào tạo hướng tới các giải pháp công nghệ mới nhất trong lĩnh vực IoT nói chung và giải pháp Smart Home nói riêng; cung cấp miễn phí các trang thiết bị, sản phẩm của Lumi để xây dựng phòng LAB “Nghiên cứu và phát triển giải pháp Smarthome - IoT” phục vụ công tác đào tạo tại 2 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TP.HCM của PTIT.

Hai đơn vị sẽ phối hợp trong các dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực IoT và Smart Home,  Smart Ship…

{keywords}
Phó Giám đốc PTIT Vũ Tuấn Lâm và Chủ tịch Lumi Nguyễn Tuấn Anh ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 2 đơn vị (Ảnh: Q.Dũng)

Bên cạnh việc cung cấp miễn phí thiết bị để xây dựng hệ thống phòng Lab phục vụ đào tạo, Công ty Lumi Việt Nam cũng chia sẻ tài liệu đào tạo lập trình nhúng và lập trình kết nối không dây của đơn vị mình cho PTIT; hỗ trợ PTIT xây dựng tài liệu giảng dạy thí nghiệm thực hành theo chuyên ngành; thực hiện chuyển giao công nghệ và đào tạo cho các cán bộ, giảng viên của PTIT; hỗ trợ bảo hành các thiết bị tại phòng Lab của PTIT…

Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận hợp tác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, Giám đốc PTIT cho biết, Học viện chú trọng việc hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ cao và đào tạo về công nghệ cho sinh viên, trong đó có công nghệ mới như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI).

Lãnh đạo Học viện cho biết, nhà trường đang trong quá trình xây dựng đại học số đầu tiên tại Việt Nam, do đó rất quan tâm đến mô hình phòng học thông minh. “Chúng tôi cũng đề nghị  Lumi Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với nhà trường để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực IoT tại Việt Nam”, ông Đặng Hoài Bắc chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lumi Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, doanh nghiệp công nghệ này đã có những kinh nghiệm đào tạo về IoT và mong muốn hợp tác với PTIT để mang lại giá trị cho nhà trường cùng các giảng viên, sinh viên.

“Thường có khoảng cách giữa đào tạo và đi làm nên Lumi Việt Nam mong muốn hợp tác với Học viện để góp phần thu hẹp khoảng cách này. Thời gian qua, 2 bên đã phối hợp xây dựng chương trình đào tạo về IoT, tập trung vào đào tạo thực hành, trải nghiệm sản phẩm. Chúng tôi tin rằng với chương trình này, sinh viên sẽ có được trải nghiệm thực tiễn, từ đó có thể tạo ra các startup, doanh nghiệp Make in Vietnam”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số quốc gia, công nghệ IoT là 1 trong những ngành đào tạo mới được PTIT mở tuyển sinh từ năm nay, bên cạnh các ngành mới khác là Khoa học máy tính (định hướng khoa học dữ liệu), Báo chí. Trong năm đầu tuyển sinh và đào tạo ngành công nghệ IoT, chỉ tiêu ngành này là 75 sinh viên và chỉ tuyển các thí sinh học tại cơ sở TP.HCM của trường.

Vân Anh

Ngành mới công nghệ IoT của PTIT dự kiến tuyển 75 sinh viên trong năm 2022

Ngành mới công nghệ IoT của PTIT dự kiến tuyển 75 sinh viên trong năm 2022

Trong năm 2022, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) dự kiến tuyển sinh và đào tạo 2 ngành mới là công nghệ IoT và Khoa học máy tính theo định hướng khoa học dữ liệu. Trong đó, chỉ tiêu dự kiến ngành công nghệ IoT là 75.