Nhiều game sinh tồn “có khuynh hướng bạo lực”

Đó là lời khẳng định của biên tập viên trong chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống có chủ đề “Game nhiệm vụ cướp của giết người – Giải trí hay cổ xúy phạm pháp?” được phát sóng trên kênh truyền hình Vĩnh Long 1 (THVL1) vào ngày 02/8 vừa qua. Chương trình này sau đó đã được đăng tải lên YouTube và nhận được hơn 9,600 lượt xem cùng 2,200 dislikes.

Xuyên suốt đoạn phóng sự có độ dài khoảng năm phút, THVL1 đưa ra các luận điểm nhằm chỉ ra các tác hại mà game online nói chung và đặc biệt là các trò chơi thể loại sinh tồn nói riêng đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới giới trẻ Việt Nam.

Điều đáng nói, với kỹ thuật đồ họa ngày càng tiên tiến, chân thực thì những cảnh đánh dập, giết người sẽ được diễn tả rất thực, mang tính rừng rợn và dã man, ảnh hưởng đến tâm lý của người chơi”, trích lời dẫn của BTV THVL1.

Trong khi đó, những người chơi loại game này đa phần là học sinh, sinh viên, những người trẻ tuổi. Điều này rất nguy hiểm, bởi những hình ảnh man rợ đó khắc họa vào tâm trí của những bạn trẻ. Nếu như chơi trong một thời gian dài, người chơi dễ bị kích động, có xu hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực, hành xử như trong game ở cuộc sống thực.”

THVL cho rằng game online đã đi ngược lại với mục đích giải trí đơn thuần và “đang cổ xúy cho những hành động bạo lực, phạm pháp một cách công khai.

 “Tôi nghĩ gia đình, nhà trường và cả ban thân của trẻ em phải hết sức cảnh giác, phải nói không với những trò chơi đó trước khi quá muộn”, chuyên gia tâm lý Tiến sĩ Võ Văn Nam nói với THVL. “Đối với xã hội, đối với cộng đồng, tôi nghĩ các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm một cách sâu sát hơn để chúng ta kiểm duyệt các trò chơi độc hại đó trước khi nó bành chướng một cách khó kiểm soát.

Cộng đồng game thủ phản pháo

Hôm qua (03/8), YouTuber Sơn Đù, hiện đang sở hữu kênh YouTube có gần 110,000 người theo dõi, đã ngay lập tức thực hiện một đoạn video bày tỏ ý kiến của anh về chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống của THVL.

Trong suốt 15 phút, Sơn Đù luôn tìm cách bác bỏ những dẫn chứng, lời lẽ của THVL và cho rằng, những vụ việc đáng tiếc bắt nguồn từ chơi game chỉ chiếm một con số rất nhỏ, không đáng kể.

Các nhà đài đang áp đặt cho những tựa game sinh tồn”, Sơn Đù nói rrong video reaction đã thu hút gần 70,000 lượt xem tại thời điểm bài viết được đăng tải. “Đây hoàn toàn là những tựa game ‘cộp mác’ trên 16 tuổi mới được chơi, nên chơi thì đừng có trách trẻ em hoặc học sinh, sinh viên là tuổi nhỏ chơi những trò chơi không hợp lứa tuổi. Hãy hỏi tại sao những tựa games này có thể đến được với những người đó.

Kéo xuống phần bình luận của người xem video của Sơn Đù, xuất hiện một loạt những ý kiến có chung cảm nghĩ với YouTuber này.

Không lẽ bây giờ bắt con trai chơi búp bê sao”, bình luận của nickname Vhh Hgj nhận được 130 lượt thích.

Sự thật có đúng như vậy?

Đây không phải là lần đầu tiên game online xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại Việt Nam với hình ảnh xấu xí, gây nguy hại cho người chơi. Trước đó, cộng đồng game thủ Việt đã từng “dạy sóng” với những câu trả lời phỏng vấn trong chương trình Lăng Kính V6 do kênh truyền hình VTV6 thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) sản xuất.

Tất cả nhân vật được PV VTV6 đặt câu hỏi, “nghĩ gì về công việc chơi game chuyên nghiệp” đều trả lời rằng nó không tốt, không đem lại thành công và đó là những người không có ý thức và sẽ chẳng có tương lai…

Thực tế, suy nghĩ này bắt nguồn từ rất nhiều vụ việc thương tâm dẫn đến phạm tội liên quan đến “nghiện” game online xuất hiện đầy rẫy trên mạng Internet trong suốt nhiều năm qua.

Không khó để tìm kiếm trên mạng Internet những vụ việc đau lòng, thương tâm xuất phát từ "nghiện" game online 

Đơn cử như vụ việc đứa bé sinh năm 2001 đã cắt cổ bà ngoại tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang vào cuối tháng 3/2014 - vì nghĩ rằng nạn nhân sẽ “hồi sinh” như trong game…

Vào tháng 10 năm ngoái, PlayerUnknown’s Battlegrounds (PUBG), tựa game online thể loại sinh tồn thu hút hơn 400 triệu người chơi trên toàn cầu (tính tới tháng 6 vừa qua) và đã xuất hiện trong video của THVL1, suýt chút nữa đã không được phép lưu hành tại Trung Quốc. Hiệp hội Xuất bản Âm thanh-Hình ảnh và Kỹ thuật số Trung Quốc tin rằng, PUBG đẫm máu, bạo lực và "gây hại cho người chơi trẻ tuổi" quá mức để được cấp phép lưu hành tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Nhưng với những thay đổi tích cực của hãng phát triển PUBG Corp như thay đổi màu máu từ đỏ xang xanh lá, chỉ chấp nhận người chơi trên 14 tuổi đăng nhập vào game thông qua giấy tờ tùy thân…PUBG đã được Tencent phát hành độc quyền tại Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái – và đây cũng là khu vực sở hữu số lượng người chơi đông nhất thế giới.

Còn tại Việt Nam, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Nếu chưa sẵn sàng bỏ tiền ra mua game, bạn chi cần mất chưa đến 10,000 đồng là đã có thể sở hữu một tài khoản chơi thử nhiều trò chơi sinh tồn đang rất “hot” ở thời điểm hiện tại mà không cần phải xác thực độ tuổi.

Tại Việt Nam, dịch vụ cho thuê tài khoản chơi game đã xuất hiện từ lâu

Vì lẽ đó, THVL1 và rộng ra là phụ huynh cùng các cơ quan quản lý có cơ sở để đặt dấu hỏi về tác động của trò chơi sinh tồn nói riêng cùng game online nói chung tại Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh thể loại game sinh tồn đang trở thành xu hướng và được dự báo sẽ tạo ra doanh thu kỹ thuật số đạt 20.1 tỷ USD vào năm 2019 cho những nhà phát triển - theo báo cáo của SuperData.

Game sinh tồn đang được cả thế giới ưa chuộng

Gamer