Nhà tôi thường uống trà xanh, trà lá vối nhiều hơn nước lọc. Uống các loại nước này sau bữa ăn có ảnh hưởng đến tiêu hóa hay không thưa bác sĩ? (Phạm Sơn, 45 tuổi, Đồng Nai).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, tư vấn:
Uống trà được hiểu là cách thức sử dụng thảo mộc dưới dạng nước hãm hoặc ngâm, rộng hơn ý nghĩa chỉ riêng lá trà. Ví dụ, chúng ta có trà hoa cúc, trà lá vối, trà hoa hòe, trà atiso...
Trà vừa là thức uống, vừa là thuốc nên khi sử dụng cần phải chú ý tùy người, tùy điều kiện địa lý, môi trường sống, thời gian...
Về cơ bản, khi uống trà, cần nhớ những nguyên tắc sau:
Tránh uống trà khi đói: Trà sẽ xâm nhập phế phù làm cho tỳ vị của bạn bị lạnh. Bạn dễ rơi vào tình trạng cồn cào, nôn nao, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt… rất nguy hiểm cho cơ thể.
Tránh uống trà lạnh: Trà lạnh có thể gây đình trệ khí, khiến bạn phát sinh nhiều đờm tiết.
Tránh pha trà để quá lâu: Trà để lâu dễ bị ôxy hóa, nhiễm vi khuẩn có hại.
Tránh pha trà lại nhiều lần: Các nguyên tố vi lượng có trong trà sẽ không còn khi pha lại nhiều lần.
Tránh uống trà trước bữa ăn: Nước trà sẽ làm loãng dịch vị.
Tránh uống trà ngay sau bữa ăn: Axit tannic có trong lá trà sẽ làm cho protein trong thức ăn trở nên cứng. Hơn nữa, nước trà cũng ức chế sự hấp thụ chất sắt... Bạn nên uống trà xanh sau khi ăn khoảng 30 phút, sẽ có lợi cho sức khỏe.
Tránh dùng nước trà để uống thuốc: Axit tannic có trong lá trà sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc.
Tránh uống nước trà đã để qua đêm: Khi để qua đêm, một số vitamin trong trà xanh sẽ bị phân hủy, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.