Tôi được bác sĩ chẩn đoán tôi bị đái tháo đường type 2 khoảng 6 năm. Ban đầu, chỉ số đường huyết của tôi khoảng 8 mmol/l. Tôi đã uống thuốc và ăn kiêng nhưng gần đây tình trạng mệt mỏi, sụt cân, tiểu nhiều, khát nhiều thường xuyên xảy ra. Tôi đi khám lại, chỉ số đường huyết lúc đói lên tới 12,7 mmol/l nên bác sĩ kê bút tiêm insulin. Tôi hơi lo lắng vì nghe nói tiêm insulin cũng dễ gặp biến chứng hạ đường huyết. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi! Nguyễn Thị Bích (Bình Phước)
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Thùy Dung - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược, TP. HCM, tư vấn:
Đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mạn tính. Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc đái tháo đường ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Nếu đường huyết không được kiểm soát tốt sẽ diễn tiến âm thầm gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể như mắt, thận, tim mạch, thần kinh, vết loét chân, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa, suy thận mạn, 60% đoạn chi không do chấn thương.
Đặc biệt, tỷ lệ người bệnh đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch khá cao. Để phòng ngừa xảy ra các biến chứng nguy hiểm, các bác sĩ luôn khuyến cáo người bệnh cần phải tuân thủ điều trị và tái khám đều đặn.
Khi được chẩn đoán xác định đái tháo đường, người bệnh cần xác định đây là bệnh mạn tính. Bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn bệnh và sự xuất hiện các biến chứng để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, hiệu quả nhất. Trong đó, thuốc tiêm insulin là một trong những loại thuốc cần thiết giúp kiểm soát đường huyết cho người bệnh đái tháo đường (đặc biệt ở người bệnh đái tháo đường type 1, 2).
Insulin thường được tiêm vào mô mỡ dưới da, từ đó chất này được hấp thu vào máu, giúp ổn định đường huyết. Tùy vào đặc điểm khác nhau của từng người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn và quyết định sử dụng loại insulin nào, tiêm bao nhiêu lần/ngày và liều lượng bao nhiêu để giúp kiểm soát đường huyết.
Hiện nay, người bệnh đái tháo đường thường được bác sĩ hướng dẫn tự tiêm insulin với các loại bút có nhiều ưu điểm như dễ dàng sử dụng, liều lượng chính xác, ít đau.
Khi sử dụng phương pháp này, bạn cần kiểm tra tên thuốc có đúng theo chỉ định của bác sĩ hay không và thực hiện đầy đủ các bước theo hướng dẫn.
Đặc biệt, người bệnh đang điều trị với insulin hằng ngày sẽ cần tự theo dõi đường huyết để giúp bác sĩ điều chỉnh liều thuốc hiệu quả và giúp phát hiện sớm tình trạng hạ đường huyết.