Một số nghiên cứu gần đây về dịch tễ học ước tính 35-40% người từ 40 tuổi trở lên đã trải qua một số cơn chóng mặt. Những người từ 65 tuổi trở lên tỷ lệ này có thể tăng lên 50- 60%.
Gia đình tôi có nhiều người thỉnh thoảng bị chóng mặt, đặc biệt là mỗi khi đứng lên ngồi xuống, như có ảo giác, chao đảo trong vài giây. Tôi muốn hỏi bác sĩ đây có phải bệnh không, có phải chỉ người già mới bị? Ai có nguy cơ cao bị chóng mặt? (Lê Anh, Hà Nội).
Thạc sĩ, bác sĩ Chử Văn Dũng, Khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tư vấn:
Chóng mặt không phải là bệnh mà là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây ra. Có nhiều hình thái chóng mặt, trong đó được chia thành 4 loại sau:
- Chóng mặt xoay (chóng mặt thực sự): Một ảo giác vận động quay cuồng trong khi cơ thể hoàn toàn yên định so với môi trường xung quanh, gây bất an khó chịu. Người bệnh cảm giác như cơ thể đang xoay tròn hoặc các vật xung quanh xoay tròn.
- Chuếnh choáng: Cảm giác đầu choáng váng nhẹ, cơ thể chao đảo khi ngồi yên hoặc đứng yên.
- Muốn té xỉu: Cảm thấy váng đầu hay cảm giác như sắp ngất xỉu.
- Mất thăng bằng: Cảm giác đi đứng không vững, loạng choạng, mất cân bằng.
Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến, tần suất đến khám có triệu chứng này từ 5-10% tổng số lượt khám bệnh. Triệu chứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng độ tuổi trung niên và người cao tuổi (từ 40 tuổi trở lên) là hay gặp nhất.
Khi cơn chóng mặt xảy ra, người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện sau: Mất thăng bằng; quay cuồng, nghiêng ngả; bị kéo về một hướng; choáng váng, đau đầu... Có người còn bị buồn nôn, nôn; tầm nhìn mờ, hoa mắt; ù tai, nghe kém hoặc chuyển động mắt bất thường, giật nhãn cầu.
Ngoài ra, có người đổ mồ hôi, thay đổi mạch - huyết áp; tinh thần suy giảm hoặc không ổn định.
Thông thường chóng mặt hay xuất hiện ở người cao tuổi, tuy nhiên tình trạng này ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Đa phần các trường hợp chóng mặt là lành tính, nhưng cũng có những nguy cơ tiềm ẩn đằng sau gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.
Ngoài tuổi tác, người làm việc trong môi trường áp lực cao, thường xuyên căng thẳng hoặc thói quen sinh hoạt không khoa học cũng tiềm ẩn nguy cơ cao bị chóng mặt.
Stress khiến cơ thể sản sinh một lượng lớn hormone cortisol gây ra một loạt các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch,… gây tổn thương hệ thống thần kinh, trong đó có dây thần kinh số 8, hệ thống thần kinh thực vật, gây rối loạn hệ thống tiền đình. Do đó, tỷ lệ mắc bệnh ở dân văn phòng, người lao động trí óc,… ngày càng gia tăng.
Phụ nữ mang thai, tiền mãn kinh cũng là đối tượng nguy cơ cao bị chóng mặt. Trong đó, phụ nữ mang thai thường bị ốm nghén dẫn đến chán ăn, đặc biệt trong 3 tháng đầu, cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng khiến thai phụ chóng mặt, choáng váng.
Ở giai đoạn mang thai hay tiền mãn kinh, tâm sinh lý của phụ nữ thay đổi rất nhiều. Họ hay cáu gắt, lo lắng, suy nghĩ tiêu cực, đa nghi, giận dỗi vô cớ. Lý do khiến tâm lý trở nên thất thường như vậy là bởi lượng hormone nữ giới trong cơ thể thay đổi đột ngột, làm khởi phát cơn chóng mặt.
Điều trị chóng mặt tùy thuộc vào từng nguyên nhân. Nhiều trường hợp, cơn chóng mặt thường tự động hết mà không cần điều trị do não bộ có thể thích nghi và tự điều chỉnh với sự thay đổi của hệ tiền đình để duy trì sự cân bằng.
Tuy nhiên, đối với một số người, việc điều trị chóng mặt là cần thiết. Các biện pháp gồm: Phục hồi chức năng tiền đình hay thủ thuật tái định vị sỏi tai. Trong vài trường hợp, một số loại thuốc có thể được chỉ định để giảm các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, vã mồ hôi. Có những nguyên nhân gây chóng mặt cần phải phẫu thuật mới điều trị dứt điểm được, chẳng hạn như khối u hoặc chấn thương não hay cổ.