Mùa này dâu tây được bán ngập tràn thị trường, giá khá rẻ hơn mọi năm nên nhiều người mua về ăn. Tôi thấy dâu tây ngon, đẹp mắt, nhưng ai không nên ăn? (Quỳnh Mai, Hà Nội)
Bác sĩ Đoàn Hồng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, trả lời:
Dâu tây là loại quả mọng, có màu đỏ tươi rất đẹp mắt và hương vị thơm ngon. Cũng giống như các loại quả mọng khác, dâu tây giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và các hợp chất có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Trong 100g dâu tây có chứa:
- Calo: 32
- Chất đạm: 0,7g
- Tinh bột: 7,7g
- Chất xơ: 2g
- Chất béo: 0,3g
- Canxi: 16mg
- Sắt: 0,4mg
- Magie: 13mg
- Phốt pho: 24 mg
- Kali: 153mg
- Vitamin C: 59mg
- Folate: 24 microgam
- Vitamin A: 12 UI
Tinh bột trong dâu tây chủ yếu là các loại đường đơn giản như glucose, fructose, sucrose và chất xơ. Do đó, dâu tây có chỉ số đường huyết (GI) là 40, tương đối thấp. Điều này có nghĩa ăn dâu tây không làm cho lượng đường trong máu tăng đột biến và an toàn cho những người mắc bệnh tiểu đường. Dâu tây cũng giúp điều hòa lượng đường trong máu và đặc biệt hữu ích để ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa và bệnh tiểu đường type 2.
Chất xơ trong dâu tây bao gồm cả chất xơ hòa tan và không hòa tan, giúp nuôi vi khuẩn tốt trong đường ruột và cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và ung thư đại trực tràng.
Ngoài vitamin và khoáng chất, dâu tây cũng rất giàu các hợp chất thực vật có lợi và chất chống oxy hóa, như pelargonidin, axit ellagic, ellagitannin, procyanidin,… giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm stress oxy hóa, giảm viêm, cải thiện cholesterol HDL tốt, giảm quá trình oxy hóa có hại của cholesterol LDL xấu,… Axit allegic và ellagitannin cũng đã được chứng minh ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Dâu tây chứa một lượng vitamin C dồi dào, một chất chống oxy hóa cần thiết để tăng cường sức khỏe miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm trùng và cải thiện sức khỏe làn da.
Folate trong dâu tây là một loại vitamin B (B9) rất quan trọng đối với sự phát triển bình thường của mô và chức năng tế bào não, folate rất cần thiết đối với phụ nữ mang thai và người lớn tuổi.
Những người nên hạn chế hoặc không nên ăn dâu tây
Dâu tây có chứa một loại protein có thể gây dị ứng ở những người nhạy cảm với loại protein này như mơ, hạnh nhân, mận, đào, lê và táo,… phản ứng này đặc biệt hay gặp ở trẻ nhỏ.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm ngứa ran trong miệng, nổi mề đay, nhức đầu, sưng môi, mặt, lưỡi hoặc cổ họng, đôi khi là vấn đề về hô hấp trong trường hợp nghiêm trọng. Protein gây dị ứng được cho là có liên quan đến anthocyanin của dâu tây, loại dâu tây trắng, không màu thường được những người dễ bị dị ứng dung nạp tốt hơn.
Dâu tây cũng có thể cản trở chức năng của tuyến giáp ở những người có vấn đề về tuyến giáp do dâu tây có chứa goitrogen.