Tôi là nam giới, gần đây hay có cơn đau ở hạ sườn bên phải hoặc vùng trên rốn phía dưới xương ức, có khi cơn đau lan ra xung quanh. Tôi cũng ăn kém do không tiêu hóa được, hơi ngứa da. Không biết đây là dấu hiệu của bệnh lý gì? Có nguy hiểm hay triệu chứng của ung thư không? (Mạnh Trung, Hà Nội).
TS.BS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), trả lời:
Đau hạ sườn phải là một trong những triệu chứng điển hình của sỏi mật, viêm túi mật. Cơn đau của sỏi mật thường xảy ra ở hạ sườn bên phải hoặc vùng thượng vị lan lên vai phải và ra sau lưng. Tính chất đau thường âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo vị trí sỏi xuất hiện. Bệnh nhân sỏi mật còn có triệu chứng sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi nhiều sau khi cơn sốt hạ xuống.
Một số bệnh nhân sỏi mật gặp triệu chứng sợ đồ dầu mỡ, ợ chua, đầy bụng, ăn không tiêu…, dễ nhầm sang bệnh đường tiêu hóa, đau dạ dày nên nhiều người áp dụng cách điều trị không phù hợp.
Sỏi mật còn khiến bệnh nhân bị vàng da ở các mức độ tùy vào tiến triển của bệnh, thường kèm theo hiện tượng ngứa nhiều. Tuy nhiên, khi có những triệu chứng đau kéo dài ở vùng mạn sườn phải: đau âm ỉ hoặc đau dữ dội lan ra sau lưng hoặc vùng thượng vị; sốt cao, vàng da, nước tiểu vàng… thì cũng là lúc bệnh sỏi mật gây biến chứng nặng.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người dân mắc sỏi mật rất cao, đây là bệnh mắc phải do thói quen ăn kém vệ sinh, ăn đồ sống có nhiễm trùng. Có khoảng 20% dân số sẽ phát triển sỏi mật trong cuộc đời của mình, 20-30% trong số đó phát triển thành các triệu chứng bệnh.
Tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm khoa Phẫu thuật Gan mật khám cho hơn 3.000 người bệnh có các bệnh lý về gan mật, thực hiện gần 1.600 ca phẫu thuật. Có tới hơn 1.000 ca liên quan đến bệnh lý sỏi mật.
Có 3 nguyên nhân chính gây sỏi đường mật: Bệnh tiêu hóa, ký sinh trùng đường ruột như giun; bệnh về chuyển hóa cholesterol và thói quen lười vận động.
Tương tự với sỏi đường mật, viêm túi mật là một trong những bệnh thường gặp ở Việt Nam, ở độ tuổi trung niên trở lên. 90% viêm túi mật có nguyên nhân do sỏi túi mật.
Ngoài triệu chứng đau hạ sườn phải lúc khởi đầu, bệnh nhân viêm túi mật còn có thể kèm theo sốt, nôn, có thể kèm bí trung đại tiện, đôi khi có đi ngoài phân lỏng. Triệu chứng toàn thân biểu hiện bằng hội chứng nhiễm trùng ở giai đoạn đầu hoặc kèm theo hội chứng nhiễm độc ở bệnh nhân viêm túi mật đã hoại tử.
Viêm túi mật có thể tiến triển thành những biến chứng nguy hiểm như: Viêm teo túi mật; Rò mật ra ngoài; Viêm túi mật gây rò vào đường tiêu hóa, tắc mật...
Viêm túi mật có nguy cơ tiến triển thành ung thư túi mật nếu không được điều trị đúng, bệnh tái diễn nhiều lần hoặc kéo dài, đặc biệt là trong trường hợp túi mật hóa sứ (vôi hóa). Ngoài ra, những biến chứng khác như áp xe túi mật, viêm túi mật hoại tử, viêm tụy cấp...
Bệnh viêm túi mật được điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh, bồi phụ nước điện giải, thuốc giãn cơ trơn. Hiện nay, điều trị nội khoa chỉ để bổ trợ, hồi sức trước cho điều trị ngoại khoa trong điều trị viêm túi mật.
Người dân nên ăn chín, uống sôi, tẩy giun định kỳ 6 tháng -1 năm. Khi phát hiện sỏi mật, polyp túi mật và bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám sớm.