Móng tay tôi khoảng 2 tháng nay bỗng xuất hiện đốm trắng, có vết gấp gãy, không phẳng. Mỗi lần tôi sơn, móng tay, móng chân cũng dễ giòn, gãy hơn. Nguyên nhân nào có thể gây ra hiện tượng này, thưa bác sĩ? (Quỳnh An, Hà Nội).
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, tư vấn:
Tình trạng này có thể do vấn đề nuôi dưỡng không tốt. Sức khỏe của móng tay chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố từ bên ngoài và bên trong. Trong đó, việc để "tay trần" tiếp xúc các chất tẩy rửa, xà phòng, hóa chất làm khô da, móng.
Các lọ sơn móng thường được cấu thành bởi yếu tố tạo màu và các dung dịch lỏng để làm bóng sơn, chủ yếu bao gồm các thành phần: acetone, ethyl acetate, phthalate dibutyl, formaldehyde... có thể làm khô da, móng, khiến móng tay mỏng dần, bị giòn và dễ gãy.
Để nuôi dưỡng móng, da, tóc... thì vitamin B, acid amin chứa nhiều lưu huỳnh hay nguyên tố vi lượng như kẽm rất cần thiết.
Acid amin chứa nhiều lưu huỳnh như methionine, cystine, cysteine, có nhiệm vụ tổng hợp glutathione và khử độc cho tế bào. Thiếu các acid amin này sẽ dẫn đến các triệu chứng như bị stress, nhiễm trùng, chậm mọc tóc, móng, giảm tính đề kháng, tăng tính tổn thương.
Để khắc phục tình trạng đốm trên móng hay móng giòn, dễ gãy này, nên đi găng tay mỗi khi rửa bát, giặt đồ hay tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa. Bổ sung kẽm, thường có trong hàu, sò huyết, thịt bò, táo không bỏ vỏ.
Các acid amin có chứa lưu huỳnh không tự tổng hợp được trong cơ thể, phải cung cấp thường xuyên qua thức ăn. Các chất này có nhiều nhất trong hải sản, tỏi, nấm, hạt có dầu, thịt, cá, trứng (nhất là lòng đỏ), sữa bò,…
Ngoài ra, nếu thấy một số biểu hiện lạ trên móng như đốm trắng ngày càng lan rộng, bề mặt móng xù xì, bong tróc, dày lên, nhiều nốt rỗ lõm, mọi người cần đi khám. Bởi biểu hiện trên móng cũng có thể cảnh báo một số loại bệnh như vảy nến, nấm móng...