Bố tôi mắc đái tháo đường, tăng huyết áp có biến chứng. Ba tháng trước, bố tôi đến viện gần nhà là nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu để điều trị, rồi được chuyển tuyến lên một bệnh viện ở Hà Nội, cơ sở này tiếp nhận và hẹn khám lại. Nhưng vì lý do khách quan, bố tôi không đến đúng lịch ghi trên giấy hẹn (quá 1 tháng), vậy bố tôi có phải quay lại cơ sở khám ban đầu xin cấp lại giấy chuyển tuyến khác hay không? (Quỳnh Anh, Nam Định).
Bảo hiểm xã hội Việt Nam tư vấn:
Thời gian qua BHXH Việt Nam nhận được nhiều ý kiến phản ánh việc người có thẻ BHYT khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh nhưng không được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT theo quy định, trong đó có việc không được cơ sở KCB chấp nhận giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT trong năm tài chính (năm dương lịch).
Trường hợp người bệnh mắc các bệnh, nhóm bệnh thuộc danh mục được sử dụng Giấy chuyển tuyến trong năm dương lịch quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế đã được cơ sở khám chữa bệnh khác chuyển đến và cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận và hẹn khám lại, nhưng vì lý do khách quan người bệnh đến khám chữa bệnh đã quá thời gian ghi trên giấy hẹn, cơ sở phải tiếp nhận và khám chữa bệnh cho người bệnh theo quy định, không yêu cầu người bệnh quay lại cơ sở khám chữa bệnh ban đầu xin cấp lại giấy chuyển tuyến khác.
Phụ lục 01 trên đây có 62 bệnh, nhóm bệnh, trong đó có các bệnh như: ung thư, tan máu bẩm sinh (Thalassemia), đái tháo đường, suy tim, tăng huyết áp có biến chứng, thiếu máu cục bộ cơ tim, tim bẩm sinh; bệnh tim (có can thiệp, sau phẫu thuật van tim, đặt máy tạo nhịp)...
Bố bạn mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp có biến chứng, nằm trong danh mục các bệnh, nhóm bệnh thuộc danh mục được sử dụng Giấy chuyển tuyến trong năm dương lịch. Vì thế, cơ sở khám chữa bệnh (được chuyển đến và hẹn tái khám) phải tiếp nhận và khám chữa bệnh, không yêu cầu gia đình bạn quay lại cơ sở ban đầu xin cấp lại giấy chuyển tuyến khác.