Hai tuần nay, tôi thường xuyên tham dự các buổi tiệc tất niên của công ty, bạn bè, khu dân cư. Tôi khá lo vì đã từng được bác sĩ cảnh báo về nguy cơ mắc bệnh gout, vậy tôi nên ăn uống ra sao để giảm nguy cơ này? (Thanh Duy, 50 tuổi).
Theo bác sĩ Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) tư vấn:
Bệnh gout thường không có dấu hiệu báo trước cho đến khi xảy ra cơn gout cấp tính đầu tiên. Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh tập trung vào ngăn chặn các cơn gout trong tương lai hoặc giảm bớt mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Đặc biệt, những người có nguy cơ cao mắc bệnh gout cần lưu ý kỹ khi sử dụng thực phẩm. Có 3 nguyên tắc ăn uống cần nhớ để phòng loại bệnh này:
Thứ nhất, hạn chế một số thực phẩm như: nội tạng động vật (gan, thận, lá lách, tim, óc…), các loại thịt lên men hoặc chế phẩm từ thịt (xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói, dăm bông), hạn chế rượu bia và đồ uống có cồn khác, không hút thuốc lá, hạn chế đồ uống có đường (nước ngọt và siro giàu fructose), carbohydrat tinh chế.
Thứ hai, sử dụng vừa phải các thực phẩm bất lợi cho người bệnh gout. Cụ thể như: cá cơm, cá mòi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá hồi; các loại hải sản khác như sò điệp, trai, hàu, vẹm, cua, tôm và trứng cá; các loại thịt đỏ, các loại gia cầm, chocolate và cacao.
Thứ ba, tăng cường các loại trái cây, rau củ, hạt. Trái cây là thực phẩm tốt, đặc biệt là cherry, việt quất, mâm xôi, dâu tây, táo, dừa, nho, cam quýt…
Mặc dù một số loại rau như súp lơ trắng, măng tây, nấm chứa nhiều purin nhưng chúng không làm tăng nguy cơ bệnh gout. Một số loại rau củ rất tốt như cà rốt, ngò, dưa chuột, thì là, tỏi tây, đậu bắp, khoai tây, bí ngô.
Một số loại đậu như đậu xanh, đậu lăng giàu purin nhưng chúng là nguồn cung cấp protein lành mạnh để thay thế nguồn protein từ động vật, kể cả đậu nành và đậu phụ… Ngoài ra, cần tăng cường các loại hạt, các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo, trứng, trà xanh và trà thảo mộc...