Trong đó, hình thức giao dịch bằng điện thoại di động và mã QR Code vẫn đang dẫn đầu cả về số lượng và giá trị so với các hình thức thanh toán khác. Cụ thể thanh toán qua điện thoại di động đã tăng 97,65% về số lượng giao dịch và 86,68% về giá trị, trong khi qua mã QR Code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng số ví điện tử đã kích hoạt trên cả nước tăng 10,37% trong 4 tháng đầu năm 2022. Giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 32,37% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt xấp xỉ 66%.
Thanh toán không tiền mặt, thanh toán điện tử đã chứng minh mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp cho đến người dân như: giảm thời gian, chi phí; tăng tính an toàn bảo mật cho người dùng; nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp khi tiết kiệm được thời gian chuẩn bị thủ tục và thanh toán theo phương thức truyền thống; nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan quản lý; thuận lợi trong triển khai dịch vụ công; nâng cao tính minh bạch của nền kinh tế, phòng chống tham nhũng, rửa tiền và các loại tội phạm kinh tế khác...
Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc,... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng, đặc biệt là việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động cho phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn cấp phép hoạt động cho các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; trong đó, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, internet, các khoản vay tài chính…
Tiền mặt không còn là “vua”
Sự lên ngôi của các phương thức thanh toán điện tử đi cùng với sự biến mất của tiền mặt. Đây là xu hướng chung trên toàn thế giới không chỉ tại Việt Nam. Đơn cử tại Đức, một trong những quốc gia “bảo thủ” nhất châu Âu trong sử dụng tiền giấy. Một nghiên cứu năm 2017 của Ngân hàng Trung ương nước này cho thấy người dân Đức mang tiền mặt bên mình nhiều gấp 3 lần so với người Pháp.
Tính tới đầu năm 2020, chỉ khoảng 40% giao dịch tại Đức là phi tiếp xúc, thế nhưng đến cuối năm con số này đã vượt mốc 60%, với giá trị giao dịch gấp đôi cùng kỳ năm trước đó (97 tỷ Euro so với 41 tỷ Euro).
Sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng cũng đã nhanh chóng được nắm bắt bởi các thương hiệu bán lẻ lớn, càng thúc đẩy thêm sự phát triển của giao dịch không tiền mặt và phi tiếp xúc tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Trong khi đó, tại Việt Nam, báo cáo của Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia (NAPAS) cho thấy, trong năm 2021, giao dịch rút tiền mặt qua hệ thống ATM lần đầu tiên ghi nhận mức sụt giảm 5% so với năm 2020. Con số thống kê chỉ ra sự vượt lên của thanh toán không tiền mặt so với phương thức thanh toán truyền thống.
Việc khách hàng giảm bớt việc rút tiền mặt qua ATM và sử dụng phổ biến hơn các dịch vụ thanh toán điện tử khác như: chuyển tiền, thanh toán qua POS và các phương thức khác (ví điện tử; mobile banking; internet banking…) phản ánh xu hướng tiền mặt đang dần bị thay thế bởi các loại hình thanh toán kỹ thuật số.
Kết quả tích cực này còn phản ánh xu hướng ngày càng sử dụng phổ biến các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ ngân hàng điện tử của người dân – là chỉ dấu thị trường để các ngân hàng thương mại tiếp tục phát triển các dịch vụ ngân hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là dịch vụ ATM, đề ra định hướng chiến lược phát triển hiệu quả.
Thế Vinh