Sáng 20/7, triển lãm Còn mãi với thời gian do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện nhằm kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022). Trong thời gian này, chương trình tọa đàm, giao lưu với các họa sĩ với cùng chủ đề Còn mãi với thời gian sẽ tổ chức vào 9h30 ngày 26/7. Triển lãm mở cửa từ đón khách đến hết ngày 29/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh tại buổi khai mạc triển lãm: Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Cách đây 75 năm, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/7 hàng năm được chọn là Ngày Thương binh - Liệt sỹ để đồng bào cả nước bày tỏ lòng hiếu nghĩa, tri ân những người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập của dân tộc.
"Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, mất mát mà chiến tranh để lại không gì bù đắp được. Dưới góc nhìn của người nghệ sĩ - chiến sĩ, triển lãm Còn mãi với thời gian là sự bày tỏ quan điểm trân trọng hòa bình, nhớ ơn những người đã anh dũng hy sinh để mang đến cuộc sống bình yên, tươi đẹp cho chúng ta ngày hôm nay. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta tri ân tới những thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc đã tham gia kháng chiến đã anh dũng hy sinh hay vẫn còn mang trên mình vết thương do chiến tranh để lại", TS Nguyễn Anh Minh bày tỏ.
Với 69 tác phẩm của 62 tác giả, trong đó có 17 họa sĩ - chiến sĩ, được lựa chọn từ sưu tập của hai bảo tàng, triển lãm 'Còn mãi vời thời gian' mang đến cho người xem những mong góc nhìn chân thực về hình tượng người chiến sĩ, những ký ức không quên về các cuộc kháng chiến đã qua. Các tác phẩm được trưng bày cho thấy những góc nhìn chân thực về hình tượng người chiến sĩ, ký ức không quên về các cuộc kháng chiến đã qua và tình cảm, lòng tri ân đối với các mẹ Việt Nam anh hùng, dân quân, y sĩ, bác sĩ, nhiều tấm gương bình dị đã lặng lẽ dâng hiến tuổi thanh xuân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Hình ảnh người lính anh dũng, kiên cường trong chiến đấu được khắc họa sống động, chân thật như trong các ký họa: Đồng chí Trung Kiên và Đồng chí Khương y tá trong trận Bình Giã (họa sĩ Cổ Tấn Long Châu), Tô Vĩnh Diện chèn pháo (họa sĩ Dương Hướng Minh), Phan Đình Giót (họa sĩ Huy Toàn), Trong lán dân quân (họa sĩ Nguyễn Văn Chung), Thương binh xem triển lãm (họa sĩ Xuân Hồng), Đêm trăng qua vọng gác (họa sĩ Mai Long).
Bên cạnh đó là những tác phẩm thể hiện tình cảm chân thành, thân thuộc, tình quân - dân gắn kết như Bà má miền Trung (họa sĩ Nguyễn Văn Chư), Nuôi giấu thương binh (họa sĩ Quang Thọ), Giã gạo nuôi quân (họa sĩ Phạm Việt)... cũng như truyền thống uống nước, nhớ nguồn được thể hiện qua các tác phẩm Mẹ Thứ - Mẹ Việt Nam anh hùng (nhà điêu khắc Nguyễn Minh Đỉnh), Bài ca người mẹ (nhà điêu khắc Lê Duy Ứng)…
Triển lãm mong muốn mang đến cho người xem những góc nhìn chân thực về hình tượng người chiến sĩ, những ký ức không quên về các cuộc chiến tranh đã qua và tình cảm, lòng tri ân đối với những người mẹ Việt Nam anh hùng, những dân quân, y sĩ, bác sĩ và rất nhiều những tấm gương bình dị đã lặng lẽ dâng hiến tuổi thanh xuân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
An Đông