PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt này tại chương trình khai mạc Lễ hội Xuân hồng lần thứ 17 năm 2024, ngày 20/2.
"Điều đó đã làm nên sự đặc biệt, độc đáo, nét riêng có của Lễ hội Xuân hồng và tạo được sức sống lâu bền”, ông cho biết. Đây là sự kiện hiến máu lớn nhất sau Tết Nguyên đán do Viện Huyết học và Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội phối hợp tổ chức.
Khác với các năm trước, chương trình năm nay khởi động từ rất sớm (mùng 9 Tết) và diễn ra liên tục trong 8 ngày tại 3 địa điểm. Trước giờ khai mạc chính thức, trên 2.500 đơn vị máu đã được hiến tặng. Dự kiến cả kỳ Lễ hội Xuân hồng sẽ tiếp nhận tối thiểu 8.000 đơn vị máu.
Với thông điệp “Hiến máu đầu xuân - Nhân lên hạnh phúc”, chương trình mong muốn mỗi người dân đủ điều kiện sức khỏe sẵn sàng trao tặng một đơn vị máu quý giá nhân dịp đầu năm mới, góp thêm một món quà lì xì, mang lại may mắn, hạnh phúc cho người bệnh, cho cộng đồng và chính bản thân người hiến máu.
Lễ hội Xuân hồng ra đời xuất phát từ thực trạng khan hiếm máu thường xảy ra ngay sau Tết tại các bệnh viện và nhanh chóng trở thành giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này.
Nếu nhiều năm về trước, nhiều người còn e ngại việc “cho máu đi” bởi sẽ mất đi may mắn thì những năm gần đây, nhờ đóng góp của Lễ hội Xuân hồng, quan niệm này được thay đổi. Hiến máu đã trở thành thói quen, là nét đẹp văn hóa mỗi dịp Tết đến xuân về.
Từ năm 2010 đến nay, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện đã chỉ đạo, nhân rộng và tổ chức Lễ hội Xuân hồng trên phạm vi cả nước.