Câu chuyện tặng quà Tết cho lãnh đạo không còn mới, nhưng năm nào cũng nóng. Bởi lẽ dưới vỏ bọc tình cảm ngọt ngào, chuyện tặng quà Tết cho sếp đang ngày càng bị biến tướng theo sự phát triển đa dạng và không có giới hạn của đời sống xã hội.

Năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục yêu cầu việc không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Ở các địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với vấn đề này dường như cũng rất quyết liệt, khi mà tìm kiếm trên Google, hàng loạt các thành phố như Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… cũng đã ra lệnh cấm tặng quà sếp cho ngày Tết.

Thực ra, những quy định về việc cấm chúc Tết lãnh đạo không phải năm nay mới có. Bảy năm trước, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ thị 21-CT/TW cũng đã nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên; không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết”.

Mặc dù, những quy định của Đảng và Nhà nước đã đầy đủ và có từ rất lâu, nhưng dường như “phép vua thua lệ làng”, câu chuyện không tặng quà cho sếp lại có vẻ rất khó đi vào thực tế, nhất là tại cấp tỉnh, huyện, xã. Những ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất 2018 đang qua đi, nhưng đến các cơ quan công sở những ngày này, người ta không khó để nhận thấy rất nhiều những giỏ, túi quà Tết đã được chuẩn bị sẵn để chuẩn bị đi thăm, chúc Tết sếp.

Sếp ở đây là ai? Nói một cách nhanh gọn thì sếp bao gồm trước tiên là chính những người thò bút để ký văn bản đó. Văn bản muốn được thi hành thì chính những ông quan, bà sếp phải là những người đi tiên phong, nêu gương trong việc từ chối nhận quà Tết. Còn ký văn bản một đằng, nhưng làm một nẻo thì ai tin. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói thì: “Những "ông quan" nói một đằng, làm một nẻo, xa hoa, lãng phí, chi dùng bằng tiền thuế của dân… thì làm mất uy tín của Đảng, mất niềm tin trong nhân dân”. 

{keywords}
Câu chuyện biếu quà tết năm nào cũng nóng. Ảnh minh họa

Tư duy ngược khi tặng quà Tết

Năm ngoái, khi tôi còn công tác tại một địa phương cấp huyện, cứ khoảng ngoài 20 tháng Chạp trở đi, các cơ quan, địa phương lại rầm rập đến chúc Tết lãnh đạo như một nghi lễ không thể thiếu của ngày Tết. Có khi đoàn nọ đến chúc Tết lãnh đạo gặp đoàn kia đành tránh mặt nhau bằng cách ghé tạm đâu đó ngồi nói chuyện, chờ đến lượt rồi vào.

Hết tập thể cơ quan, rồi lại từng cá nhân đến chúc Tết sếp. Nếu không chúc được ở cơ quan thì lại đến nhà riêng… Ai đến chúc Tết cũng nhanh nhanh, chóng chóng rồi về, vì họ cũng biết ý có người khác đang chờ, và thực tình chả ai muốn chạm mặt ai ở cơ quan hoặc nhà sếp cả. Cái cảnh đi biếu quà Tết sếp mà cứ phải rình rập, vội vàng thực sự là một hình ảnh phản cảm và rất xấu xí.

Nó phản cảm và xấu xí không chỉ bởi nó làm mất đi vẻ tôn nghiêm, phong thái thường ngày của người đi tặng quà - bởi nhiều người trong số họ cũng là thủ trưởng, thủ phó của một đơn vị cấp dưới, mà còn tạo một sự tương phản. Đó là ai có chức vụ càng cao, thì càng có nhiều đoàn đến thăm, chúc mừng. Còn những anh em cấp dưới, những công chức, người lao động bình thường thì chả ai đến thăm nom.

Dẫu biết tặng quà Tết thể hiện tình cảm của cá nhân. Nhưng thử hỏi chi phí dùng để quà cáp, biếu xén ấy là từ đâu ra? Nó cũng có thể là tiền túi của người đi tặng quà. Nhưng đáng nói là, nhiều người đã lợi dụng tiền công quỹ của cơ quan, đơn vị để thăm, tặng quà Tết cấp trên nhằm mục đích củng cố, thắt chặt các mối quan hệ cá nhân. Mà người có thể lợi dụng công quỹ là ai? Chẳng phải cũng là người có chức quyền hay sao. Như một vòng tuần hoàn, tiền của nhà nước đang chảy vào túi của những ai có chức quyền.  

Chúng ta đang nói nhiều việc chạy chức, chạy quyền trong xã hội. Thì đây, hình ảnh lãnh đạo cấp trên càng được hưởng quyền lợi, bổng lộc, quà cáp hơn cấp dưới trong các dịp lễ Tết như thế này cũng chính là một trong những ví dụ điển hình làm nên sức hấp dẫn ấy. Chẳng ai muốn làm công chức, lao động bình thường để cả đời chỉ được hưởng mỗi đồng lương.

Tặng quà Tết vốn là câu chuyện về văn hóa, phong tục tập quán của người Việt trong ngày Tết. Nhưng dưới tác động của cơ chế thị trường và trong một môi trường quyền lực khó được kiểm soát, nét đẹp truyền thống này đang dần biến tướng và bị lợi dụng để thực hiện các hành vi tư lợi.

Cũng những ngày cuối năm 2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án văn hóa công vụ, trong đó yêu cầu: “Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức… không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng”. Tuy nhiên, việc xác định ranh giới giữa tình cảm và “động cơ không trong sáng” trong câu chuyện tặng quà Tết trên lại có vẻ rất khó khăn và đang rất dễ bị lợi dụng.

Có lẽ, cùng với việc nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên, nên khuyến khích việc tặng quà cho cấp dưới như một hình thức động viên và ghi nhận những đóng góp của những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ. Chỉ khi “tư duy ngược” như vậy, chúng ta mới xóa bỏ tâm lý, cứ phải là lãnh đạo thì mới được hưởng bổng lộc, quà cáp. Và thay vì tất cả đều “nhìn lên”, “nhìn về” phía lãnh đạo, thì hãy “nhìn xuống” anh em cấp dưới.

Đây mới thực sự là bản chất nhân văn của việc tặng quà Tết, đồng thời, nó mới là động lực thúc đẩy sự phát triển, tăng tính hiệu quả của bộ máy công quyền nói riêng và của xã hội nói chung.

Nguyễn Thảo