Trong buổi làm việc với quận 1 về các vấn đề kinh tế-xã hội mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, quận 1 là của trung tâm thành phố, là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của TP. Do đó, phải có các cơ chế, chính sách phát triển để quận 1 trở thành nơi đặt trụ sở của các tỷ phú, các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn lớn trong nước.
Tuy nhiên, ông Mãi cho rằng, trung tâm thành phố không phải là chỗ của người giàu, người sang trọng, mà cũng là nơi những người buôn gánh bán bưng sinh nhai, không thể đẩy họ ra để mời gọi người giàu. Ông không đồng tình phương án thấy người bán hàng rong là dẹp để mời các thương hiệu lớn vào làm.
Không ít độc giả ủng hộ cách nghĩ, cách làm này của Chủ tịch UBND TP.HCM.
Bạn đọc tên Chi chia sẻ, không phải nước nào cũng cấm hàng rong, ở các nước phát triển, việc bán hàng rong vẫn tồn tại, như sự phân công lao động mặc nhiên do cuộc sống tạo ra. Điều cần điều chỉnh là an toàn thực phẩm, mỹ quan, lịch sự, có văn hoá ẩm thực, văn hóa ứng xử, tự giác kết hợp hài hòa vệ sinh công cộng và vệ sinh cá nhân”.
Với những người lao động có thu nhập thấp sống ở đô thị lớn, thì hàng rong lại là “cứu cánh”. Bạn đọc có nickname Quaykhung cho biết: “Tôi làm việc ở quận 1 và không phải công việc nào cũng lương cao, đủ sống. Nhớ mãi tình hình sau dịch, tôi và bạn bè phải tiết kiệm từng chút trả nợ mấy tháng trời chỉ ăn bánh mì, mì gói và bánh bao. Đồ ăn giá rẻ từ từ mất hút, khó kiếm đồ ăn giá rẻ như mấy cô hàng rong vẫn bán”.
Bạn có nickname D Tantrung chia sẻ: “Mỗi khi vào công tác, tôi rất thích không khí buổi tối, nghe tiếng gõ và thưởng thức món mì gõ, phở gõ đúng chất Sài Gòn. Theo tôi, chính quyền TP nên quy hoạch quản lý để hàng rong được hoạt động có quy củ vì đây là nét đẹp bản sắc văn hóa...”.
Bạn đọc Hải Phạm cũng nhìn nhận hàng rong là nét văn hoá của TP.HCM cần gìn giữ. TP cần quy hoạch cụ thể từng nơi và không để cảnh hàng rong níu kéo khách; bán phải văn minh lịch sự.
Đồng quan điểm, bạn Tuan Do cho hay, hàng rong nếu quản lý được cũng là một nét đẹp, ngay các thủ đô lớn trên thế giới cũng có hàng rong.
Bạn đọc Lan Lâm rất tâm đắc với lời của ông Phan Văn Mãi. Bạn đọc này cho rằng: “Chúng ta có thể nâng cấp lên chứ không thể dẹp hàng rong”.
Quy hoạch hàng rong để tránh cảnh rác rải khắp phố
Vài năm về trước, quận 1 từng là địa phương “nổi tiếng” bởi việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Cuộc chiến “đòi lại vỉa hè” dang dở và câu chuyện “từ quan” của ông Đoàn Ngọc Hải vẫn còn là sự trăn trở.
Bạn đọc Anh Nguyễn bày tỏ đồng tình với việc tạo điều kiện cho người bán hàng rong kiếm sống nhưng kiên quyết không thể việc này lấn chiếm vỉa hè.
Bạn Quang Liêm cũng cho rằng: “Đừng viện dẫn cái nghèo, gánh hàng rong nuôi bao người thành tài mà để đường sá nhếch nhác rác thải…”.
“Đời sống xã hội là cộng sinh, thay vì tư duy theo kiểu bao cấp hiện đại, nên hoạch định phát triển cân bằng là tốt nhất”, Van Phu Nguyen bày tỏ.
Đưa ra quan điểm của mình, bạn có nickname D Tantrung chia sẻ: “Người bán hàng rong nếu được tổ chức lại nề nếp, chuyên nghiệp thì đâu còn bát nháo. Văn hóa ẩm thực Sài Gòn không thể thiếu hàng rong và Chủ tịch TP tư duy rất đúng”.
Một bạn đọc khác cũng cho rằng, người dân muốn buôn bán thì phải theo khu. Bởi như vậy sẽ tiện cho cả khách du lịch và tạo được nét riêng cho TP.
Bạn Bao Le bày tỏ, phải bố trí, sắp xếp cho người bán hàng rong nơi buôn bán hợp lý. Những gánh hàng rong thường kéo theo rác thải và tình trạng lấn chiếm gây cản trở giao thông.
“Hoàn toàn đồng ý về việc cho hàng rong tồn tại nhưng nên quy hoạch những khu riêng", bạn đọc Trần Minh đề xuất.
Bạn đọc Mão Ngô Văn góp ý, cần phân đoạn khu vực cho phép bán rong đảm bảo an toàn giao thông người đi bộ và mỹ quan đô thị. Các quán đồ ăn nhanh giá bình dân chỉ bán mang về, không bày ghế ngồi ăn uống lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ, không làm ảnh hưởng nhiều tới giao thông...