Một trong những điểm mới của Luật Điện ảnh năm 2022 là quy định rõ đối tượng chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng, đồng thời quy định các điều kiện cần bảo đảm khi phổ biến phim trên không gian mạng.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định nhằm triển khai các nội dung được quy định tại Luật Điện ảnh 2022. Đó là Nghị định 128 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP; và Nghị định 131 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, Nghị định 131 quy định cụ thể 15 nội dung của Luật Điện ảnh mới, trong đó có nội dung về điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng.
Theo đó, cùng với việc quy định rõ 3 điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng, Nghị định 131 cũng hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.
Nghị định 128 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2023 được Chính phủ ban hành để sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt liên quan đến các hành vi vi phạm về điện ảnh, trong đó có hành vi vi phạm quy định về phổ biến phim trên không gian mạng.
Cụ thể, theo Nghị định 128, các hành vi vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng tùy mức độ. Trong đó, mức phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng được áp dụng với hành vi không thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ VHTT&DL trước khi thực hiện phổ biến phim theo quy định. Từ 60 - 80 triệu đồng là mức phạt với hành vi không triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm.
Mức phạt tiền cao nhất từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng được áp dụng với các hành vi: không bảo đảm một trong các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định; không thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi, để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm theo quy định; không ngăn chặn truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh và các quy định pháp luật khác khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cùng với các mức phạt tiền bị áp dụng, biện pháp khắc phục hậu quả mà các đối tượng vi phạm sẽ phải thực hiện là buộc gỡ bỏ phim trên không gian mạng.
Trước đó, vào đầu tháng 10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06 năm 2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Nghị định 71 đảm bảo quản lý phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển.
Trong thông tin mới phát ra, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) nhận định rằng, với việc Luật Điện ảnh 2022 cùng các Nghị định 71, Nghị định 128 và 131 được ban hành, hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng, hoạt động cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình theo yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam đã đầy đủ.
Điều này sẽ đưa hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam đi vào khuôn khổ, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp trong nước.