Trời sẩm tối, thành phố dần lên đèn, cũng là lúc bà Sáu đẩy gánh chè ra vỉa hè bày bán. Gánh chè của bà Sáu được thực khách gọi với cái tên thân thương là “chè đèn dầu”. Bởi vì mấy chục năm qua, cứ đi ngang đây, người ta lại bị thu hút bởi ánh đèn dầu le lói bên vỉa hè, trái ngược hoàn toàn với phố thị xa hoa.
Gánh chè được vợ chồng bà Sáu mở bán từ sau giải phóng miền Nam (năm 1975). Thời điểm đó, đoạn đường này vẫn tối om, chưa có đèn đường. Mỗi tối, bà Sáu phải thắp ngọn đèn dầu để soi sáng gánh chè nhỏ. Cứ thế, ánh đèn ấy đã đi theo bà hơn 4 thập kỷ.
“Từ lúc mở bán trở lại sau dịch Covid-19, đèn đường đủ sáng nên tôi cũng không còn thắp đèn dầu nữa. Nhiều khách ngạc nhiên, tiếc nuối vì không còn thấy ánh đèn dầu - điểm đặc trưng bao năm của quán. Nhưng may mắn là khách vẫn thương tôi lắm, vẫn ghé hoài vì thích hương vị chè của tôi”, bà Sáu thủ thỉ tâm sự. Ở tuổi 80, cụ bà vẫn minh mẫn, đôi tay nhanh nhẹn.
Quán chè "nhiều không"
Không mặt bằng đắt đỏ, không biển hiệu thu hút, lại nằm trên đoạn đường một chiều, vậy mà gánh chè của bà Sáu đêm nào cũng đông khách. Trước đây, bà thường bán từ khoảng 5 giờ chiều, nhưng hiện tại vì tuổi già sức yếu, lại hay đau khớp chân nên bà đẩy chè ra bán muộn hơn 1-2 tiếng.
Gánh chè bà Sáu bán 5 món: Chè chuối chưng, chè trôi nước, chè táo xọn, chè đậu trắng, chè đậu xanh bột báng. Mỗi món được đựng riêng biệt trong một chiếc nồi to, sạch sẽ, nóng hổi, xếp gọn gàng trên một chiếc bàn mũ. Kế bên, phần chén, muỗng được xếp ngăn nắp. Bà Sáu có thêm vài chiếc ghế nhỏ dành cho khách ăn tại chỗ.
“Tôi có tuổi rồi, lại một mình nấu chè nên không có sức làm nhiều món. Tôi chỉ gắng sao cho món nào ra hương vị món đó, khách tới ăn là hài lòng. Mà ở đây, hầu như ai ghé cũng ăn rồi mua về vài ba chen", bà kể.
Anh Đặng Vĩnh Tiên (1998, Gò Vấp) là một trong những khách quen của "chè đèn dầu". Anh cho hay: "Mình ăn ở đây cũng lâu lắm rồi, từ thời giá còn 5.000 đồng/chén, bây giờ là 10.000 đồng/chén. Chè ở đây có vị ngọt thanh, vừa miệng. Mình "nghiện" nhất là món chè bột báng”.
Chén chè nóng ấm, thơm thơm được phủ một lớp nước cốt dừa hoặc một ít vừng rang hay đậu phộng xay nhuyễn, vừa ăn vừa cảm nhận vị ngọt thấm dần nơi đầu lưỡi. Đặc biệt, chè của bà Sáu không ăn với đá. Có lẽ vì thế mà bà Sáu cân chỉnh vị chè ngọt thanh, không quá béo, không gây ngán. Phần lớn khách đều mua mang về vì vỉa hè khá chật, chỉ đủ chỗ cho vài ba khách ngồi ăn nhanh chóng.
Chị Nguyễn Phương Thùy (36 tuổi, Phú Nhuận) là khách ruột từ thuở bé của bà Sáu. "Gánh chè này là tuổi thơ của mình. Hồi nhỏ ba mẹ hay chở mình ghé ăn. Vị chè ở đây rất ngon, cá nhân mình thấy không chỗ nào giống được vậy. Phong cách quán lại bình dân, xưa cũ, giá thành thì quá rẻ. Sau này bà Sáu lớn tuổi mà nghỉ bán, mình không biết tìm đâu gánh chè mang nhiều kí ức thế này", chị Thuỳ chia sẻ.
Anh Tiên, chị Thùy - hai khách quen của quán bà Sáu
“Tôi chết mới nghỉ bán"
Ông Tư – chồng bà Sáu, người đồng hành mỗi đêm cùng bà bên cạnh gánh chè, đã mất từ đợt dịch cách đây 2 năm. Cũng từ đó, gánh chè chỉ còn bà Sáu lo toan mọi thứ. Các con đã có công việc riêng, không còn theo nghề nấu chè của cha mẹ.
Để có được những nồi chè thành phẩm thơm ngon vào buổi tối, bà Sáu phải chuẩn bị nguyên liệu và sơ chế từ khuya hôm trước. Các loại đậu như đậu trắng, đậu xanh được bà chọn rất kĩ, lựa những hạt đều tay, đều màu, không sâu mọt, không bị hư hay có mùi. Theo lời bà Sáu, không phải cứ hạt đậu to là ngon, nên chọn hạt vừa phải, quan trọng là thời gian ngâm đậu phải chuẩn và có cách riêng thì hạt đậu khi nấu chín mới nở ngon, bùi và béo.
Như món chè chuối chưng, từng quả chuối được bà Sáu tìm mua từ những người dưới quê mang lên bán. Thông thường bà dùng chuối sứ, vì loại chuối này thơm ngon, mọc tự nhiên và cũng ít bón thuốc. Bà ưu tiên trái chuối có độ chín vừa phải, không quá to, không dập nát để tránh khi nấu sẽ bị rã, mất độ giòn, dai đặc trưng của chuối.
Về phần nước cốt dừa, bà Sáu tự tay nạo dừa và vắt phần cái dừa để lấy nước cốt. "Tuy hơi kỳ công và mất thời gian nhưng làm thế này phần nước cốt sẽ có mùi thơm béo đặc trưng, ngon hơn là những hủ cốt dừa được đóng hộp sẵn", cụ bà 80 tuổi chia sẻ.
Bà Sáu cho biết, công thức làm chè bà được truyền lại từ người chị ruột của mình. Gánh chè ấy đơn sơ ấy là nguồn kinh tế chính, giúp hai vợ chồng bà Sáu nuôi lớn các con và bây giờ là cả các cháu. Bao năm làm nghề, bà Sáu vẫn "say" nghề, dành tâm huyết cho từng nồi chè. Cũng chính bởi điều đó mà gánh chè nhỏ đã giữ chân biết bao thế hệ người Sài thành gần nửa thế kỷ qua.
“Tôi cũng muốn truyền nghề cho con cháu nhưng tụi nó không thích. Bây giờ đứa nào cũng có gia đình riêng, tôi không ép con theo nghề được. Tôi sẽ cố bán cho tới khi còn sức, còn minh mẫn", bà Sáu vừa cặm cụi rửa chén, vừa nghẹn ngào chia sẻ.
Nhiều thực khách từng hỏi bà Sáu có dự định tìm mặt bằng để mở quán chè ổn định hay không, bà chỉ cười trừ: "Tiền không đủ, sức không còn, nhiều khi cũng muốn có cái nơi cố định để bán hàng, nhưng thôi, biết đâu cái số tôi nó có duyên với vỉa hè thế này rồi”.
Mỗi tối bà Sáu chỉ nấu và mang ra vỉa hè đúng 5 nồi chè, nhưng đêm nào cũng bán hết sạch. Có hôm 22 giờ hơn đã hết, hôm nào chậm thì tới 23 - 23h30. Trung bình mỗi đêm, bà Sáu bán được khoảng 300 chén chè. Sự yêu thương của khách là nguồn động viên để bà tiếp tục nấu những gánh chè thơm ngon dù đã ở cái tuổi "gần đất xa trời".
Hơn 22 giờ tối, mấy nồi chè của bà Sáu đã cạn dần. Khách vãng lai, khách quen cũng đã ra về. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Vân (1993, Gò Vấp) cùng chồng và 2 con trai là một trong những vị khách cuối cùng ghé gánh chè của bà Sáu.
Gọi bốn chén chè nóng, gia đình quây quần ăn cùng nhau. Chị Quỳnh Vân chia sẻ: “Đây là lần đầu cả nhà mình ghé quán. Mới ăn nhưng cảm thấy vị chè ngon, ngọt vừa phải, đặc biệt là không ăn với đá nên đúng ý mình. Đi ăn với gia đình kiểu này thấy vui lắm. Thấy bà lớn tuổi mà vẫn bán chè khuya, rất chiều khách, mình thấy thương lắm. Chắc sắp tới, mình còn ghé lại nhiều".
Võ Như Khánh