Gần 1 năm nay, đều đặn vào trưa thứ 3, thứ 7 và ngày rằm, quán cơm Đồng Cảm (hay còn gọi là quán cơm 2.000 đồng) của CLB thiện nguyện Đồng Cảm lại đỏ lửa để mang bữa cơm yêu thương cho những cảnh đời khó khăn. Quán được duy trì ở 61 Thanh Nghị (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) với mong muốn sẻ chia với những phận đời kém may mắn, nhiều gánh nặng gia đình...
2.000 đồng "mua tình thân"
Buổi trưa, thời tiết miền Trung nắng gắt, bà Nguyễn Thị Luận (70 tuổi, ngụ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) dáng người gầy gò dắt chiếc xe đạp cũ, treo sau là một số chai bao nhặt được, để bên vỉa hè đối diện quán cơm Đồng Cảm. Mồ hôi nhễ nhại, bà cầm sẵn tờ 2.000 đồng vào quán “mua” suất cơm nóng hổi đã được các tình nguyện viên chuẩn bị sẵn.
Nhận khay cơm trên tay, bà Luận nở nụ cười: “Cơm hôm nay mấy cô chú nấu ngon, nhiều món quá, có sườn rim, trứng chiên, rau cải xào và canh. Tuần nào cũng bồi bổ thế này tôi còn có sức khỏe để kiếm tiền nuôi cháu ăn học…”.
Bà Luận kể, bản thân đang nuôi 2 cháu nhỏ đang học lớp 5 và lớp 9 vì ba mẹ các cháu đã ly hôn. Để có tiền nuôi cháu, hàng ngày, bà rong ruổi khắp các con ngõ ở quận Liên Chiểu nhặt ve chai. Mỗi ngày bà chỉ kiếm được 50.000-100.000 đồng nên phải chi tiêu tằn tiện.
"Tôi biết đến quán cơm Đồng Cảm từ 2 tháng trước do 1 người dân mách. Từ đó đến nay, tôi thường lui tới để ăn trưa, chỉ 2.000 đồng mua được suất cơm đủ dinh dưỡng.
Quán có tên Đồng Cảm nên khi ăn cơm ở đây tôi cảm thấy ấm áp như tình thân vì các cô chú phục vụ rất thân thiện, ân cần" - bà Luận xúc động.
Đồng cảnh ngộ, từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng nhặt ve chai gửi tiền về quê nuôi con ăn học, bà Trần Thị Tiếp (60 tuổi) cũng thường lui tới quán ăn trưa, nhờ đó mà tiết kiệm được tiền để gửi về lo cho gia đình.
Bà Tiếp trải lòng: "Bản thân lúc nghe nói 2.000 đồng mua được suất cơm thì không tin lắm, nhưng đến quán tôi rất xúc động. Cảm giác như được về nhà, được chăm sóc... Bởi vậy, tôi và những người có hoàn cảnh khó khăn hy vọng những điểm bán cơm giá rẻ sẽ được duy trì để hỗ trợ người nghèo!".
Quán Đồng Cảm trung bình mỗi buổi đón khoảng 150 người có hoàn cảnh như bà Luận hay bà Tiếp. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, họ đều vất vả mưu sinh để gồng gánh gia đình. Đến đây, chỉ bỏ ra 2.000 đồng họ có thể mua về sự no bụng và cả nụ cười hạnh phúc.
9 năm cho đi, nhận về nhiều sự chung tay
Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (49 tuổi, ngụ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), chủ nhiệm CLB thiện nguyện Đồng Cảm chia sẻ, quán cơm 2.000 đồng được duy trì gần 1 năm nay, với mong muốn góp một phần nhỏ để những người gặp khó khăn có được những bữa ăn ngon miệng, giàu dinh dưỡng.
“Câu lạc bộ thành lập được 9 năm, chúng tôi thường xuyên nấu ăn di động miễn phí ở các bệnh viện, trao quà thiện nguyện. Nhận thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, các thành viên nhóm quyết định mở thêm một quán cơm 2.000 đồng cố định, bán vào trưa thứ 3, thứ 7 và ngày rằm để góp một phần nhỏ giúp mọi người.
Cứ đến ngày nấu, các thành viên trong nhóm sắp xếp công việc, mỗi người một tay nấu cơm, nấu đồ ăn đổi món phục vụ thực khách. Quán mở cửa là khách đến rất đông. Mỗi người chỉ phải trả 2.000 đồng kèm nụ cười để lấy suất ăn”, chị Hoa bày tỏ.
Chia sẻ vì sao lại là cơm 2.000 đồng chứ không phải miễn phí, chị nói: "Việc thu 2.000 đồng/suất ăn là để mọi người không có cảm giác mắc nợ, không bị ái ngại khi đến ăn. Mọi người trả tiền và chúng tôi có trách nhiệm phục vụ tử tế. Từ đó mọi người cảm thấy thoải mái hơn.
Thực đơn được thay đổi hàng ngày để mọi người không bị ngán. Mỗi bữa gồm 4 - 5 món thịt, cá và rau, nhờ có rất nhiều mạnh thường quân tham gia hỗ trợ.
“Từ ngày mở quán đến giờ, chúng tôi sắp xếp việc làm, việc nhà ổn định rồi cùng nhau tham gia nấu nướng. Mỗi người góp chút ít, nhiều mạnh thường quân biết quán qua sự lan tỏa từ mạng xã hội đã gửi tiền quyên góp và chung tay với quán.
Với chúng tôi, lợi nhuận khi mở quán chính là được mang đến những bữa cơm no cho người lao động khó khăn có sức khỏe mưu sinh. Với sự chung tay của các mạnh thường quân, chúng tôi sẽ duy trì quán để nhận về nhiều hơn những nụ cười hạnh phúc...”, chị Hoa chia sẻ.