Sáng 18/7, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 1.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, tính đến 7h sáng nay, tại Quảng Ninh, Hải Phòng còn 2.577 khách du lịch lưu trú trên các tuyến đảo (Quảng Ninh 606 người, Hải Phòng 1.971 người). Chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức bố trí nơi lưu trú an toàn cho du khách.
Thành phố Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch sơ tán 8.691 người dân khu vực xung yếu (chung cư cũ, khu vực ngoài đê, vùng trũng thấp ven biển,…) tuỳ theo diễn biến thực tế cơn bão.
Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản 119.803ha, 3.154 lều, chòi canh, 22.973 lồng/bè; hầu hết các địa phương đã hoàn thành sơ tán dân trên lồng bè...
Ông Tiến thông tin thêm, 2 tàu cá/11 người của tỉnh Cà Mau bị chìm do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Toàn bộ thuyền viên đã được cứu vớt an toàn.
"Bão khiến gió mùa Tây Nam mạnh hơn, sóng và nước biển to lên. Nhưng đây không phải do ảnh hưởng trực tiếp của bão", ông Tiến nói.
Để ứng phó bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã gửi tin nhắn Zalo tới hơn 8 triệu thuê bao tại các địa phương có khả năng ảnh hưởng của bão để hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão.
Các tỉnh cũng chủ động cấm biển: Thái Bình, Nam Định (12h ngày 17/7); Quảng Ninh (15h ngày 17/7); Ninh Bình (17h ngày 17/7); Hải Phòng (21h ngày 17/7).
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, tính đến 5h ngày 18/7, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn khu vực từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có 12.668 phương tiện/29.812 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Tất cả các tàu đã vào nơi neo đậu hoặc di chuyển đến vị trí trú tránh.
"Ngay sau khi có thông tin về bão, đơn vị đã cử lực lượng, phương tiện để ứng phó. Lực lượng quân đội có 416.419 cán bộ chiến sĩ; hơn 5.000 phương tiện ô tô, xe đặc chủng tham gia ứng phó với bão", đại diện Bộ Quốc phòng thông tin.