Gần đây liên tiếp xảy ra hỏa hoạn tại các quán karaoke ở nhiều thành phố trong cả nước làm nhiều chết và bị thương nhiều người.
Qua các vụ hỏa hoạn này đều thấy yếu tố xây dựng, sử dụng, quản lý có nhiều điều cần bàn. Vì từ trước tới nay, hầu hết các quán karaoke chỉ cải tạo, sửa chữa từ nhà ở mà thành, không coi nó là một dạng công trình đặc biệt.
Thiết nghĩ các quán karaoke là một nơi sinh hoạt văn hóa đông người, sử dụng một lượng điện lớn để trang trí, loa đài, âm ly… Đặc biệt, do dùng nhiều loa nên sự ồn ào gây ra rất lớn, do vậy phải có hệ thống cách âm khá lớn với những loại hình kinh doanh đặc thù như này.
Nhưng có thực tế, loại hình này đang bị xem nhẹ những khâu an toàn về điện, âm thanh, phòng cháy chữa cháy,... và nhiều khi ở ta đó là các ngôi nhà để ở. Cụ thể, có thể liệt kê:
1. Các quán karaoke cải sửa từ nhà ở:
- Hầu hết các quán karaoke đều cải sửa từ nhà ở nằm trong các dãy phố nên đại đa số đó là các nhà ống, chỉ có một mặt trống là mặt tiền của quán. Mặt tiền này lại trang trí đủ thứ bịt kín không gian, chỉ trừ phần cửa ra vào.
- Hệ thống thang lên xuống của các tầng chỉ thiết kế cho gia đình nên không đủ thoát khi nhiều người cùng một lúc ra khỏi ngôi nhà.
- Vì là nhà ống nên gần như ba mặt tường bên không có cửa sổ. Nhiều quán không có sân thượng, không có nơi thoát hiểm…
Đây là điều nguy hiểm nhất để thoát hiểm và chữa cháy khi quán bị hỏa hoạn.
2. Hệ thống cách âm, rèm của quán karaoke, đều là vật liệu dễ cháy:
Để đảm bảo việc cách âm tốt, các phòng trong quán đều dùng vải, mút, xốp nên nguy cơ cháy rất lớn.
Đây là nguy cơ cháy cao khi sửa chữa và khi trong quán có người hút thuốc lá, nguồn điện không tốt.
3. Trong quán có nhiều hệ thống sử dụng điện:
Hầu hết các quán đều có nhiều hệ thống sử dụng điện, nên việc quá tải, chập khó tránh khỏi.
Nhưng một tiềm ẩn nguy hiểm là quán không có hệ thống ánh sáng để khi thoát hiểm mọi người tìm đường rời khỏi phòng, khỏi tầng.
Để đảm bảo an toàn và chống cháy ở các quán karaoke, đề xuất những vấn đề sau:
1. Không để các quán karaoke ở trong dãy nhà và chỉ có 1 mặt thoáng là phố. Nếu nằm trong dãy phố, phải có sân thượng, quán phải có ít nhất 2 mặt thoáng thoát hiểm.
Trong quán có nhiều tầng, phải có ít nhất 2 cầu thang trong nhà và 1 cầu thang thoát hiểm bên ngoài.
Tốt nhất quán là nhà không liền kề với các nhà khác, nếu liền kề, ít nhất có 2 mặt thoáng để bố trí thoát hiểm.
2. Tất cả vật liệu cách âm trong quán phải có vật liệu chống cháy bọc, vật liệu trang trí, che chắn phải là vật liệu chống cháy.
3. Tất cả hệ thống điện sử dụng trong quán đều được đặt trong ống là vật liệu chống cháy. Phải có thiết kế, liệt kê chi tiết đặc tính vật liệu và thông số kỹ thuật để kiểm tra.
4. Toàn bộ các phòng trong quán phải có bản vẽ thiết kế để làm căn cứ kiểm tra. Tại các phòng hát, sân khấu phải có sơ đồ chỉ dẫn và hướng dẫn thoát hiểm khi quán gặp sự cố.
5. Trang bị đầy đủ các dụng cụ chữa cháy, mặt nạ phòng ngạt cho mọi người trong từng phòng hát.
6. Lắp một nguồn điện riêng cho hệ thống đèn ở hành lang hướng dẫn đường thoát hiểm khi hệ thống điện của quán bị cắt.
7. Có các quy định về sửa chữa và định kỳ kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ.
Đỗ Hữu Diên