Cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa có báo cáo về kết quả kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 6 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, số vụ kiểm tra là 1.805 vụ (tăng 838 vụ, tăng 86,65% so với cùng kỳ năm trước). Tổng số vụ đã thu phạt và nộp ngân sách là 1.637 vụ, thu nộp vào ngân sách hơn 37 tỷ đồng (tăng 150,46% so với cùng kỳ năm trước).
Nhà chức trách cũng tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá hơn 30 tỷ đồng (tăng 93% so với cùng kỳ năm trước). Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 102 tỷ đồng.
6 tháng qua, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố 8 vụ án hình sự. Trong đó, có 4 vụ hàng giả, 3 vụ hàng lậu và 1 vụ hàng cấm.
Quản lý thị trường TP.HCM đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, xác định rõ các địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng tâm nên việc triển khai kiểm tra, kiểm soát hiệu quả, đúng trọng tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể như:
Thuốc lá điếu nhập lậu và thuốc lá điện tử: Đã kiểm tra 69 vụ, có 52 vụ vi phạm. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 3,7 tỷ đồng.
Hàng hóa nhập lậu: Đã kiểm tra, xử lý 408 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 658.419 đơn vị sản phẩm dụng cụ y tế, thuốc tân dược, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô, xe đạp, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo... Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 22 tỷ đồng.
Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ: Đã kiểm tra, xử lý 545 vụ vi phạm, tạm giữ 560.283 đơn vị sản phẩm đồ dùng cá nhân, hàng điện gia dụng, hàng gia dụng, mỹ phẩm, quần áo, dụng cụ làm đẹp, vật tư các loại,... Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 20,1 tỷ đồng.
Hàng giả: Các đội quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 439 vụ vi phạm, tạm giữ 49.172 đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách, ví, hàng điện tử, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy... nhãn hiệu Honda, Yamaha, Adidas, Nike, Chanel, Valentino, Versace... Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 4,8 tỷ đồng.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM nhận định, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tăng cao, các hoạt động lễ hội cũng diễn ra nhiều vào 6 tháng cuối năm dẫn đến tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng tăng mạnh.
Với lợi thế giá rẻ, đa dạng chủng loại, hình thức, các mặt hàng này đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng, tuy nhiên, đi kèm với đó là hậu quả về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa không đảm bảo.
Ngoài ra, cơ quan này cho rằng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, khai báo không đúng khối lượng, chủng loại, xuất xứ để buôn lậu, gian lận về thuế sẽ không giảm; hàng hóa tiếp tục tập kết tại các kho hàng, bến bãi; vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả xuất xứ, không rõ nguồn gốc,... sẽ phát sinh thông qua các dịch vụ bưu điện, chuyển phát nhanh, dịch vụ hàng không.
Các đối tượng sẽ sử dụng kênh thương mại điện tử, ứng dụng thiết bị di động để quảng cáo, giao dịch hàng hóa nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của lực lượng chức năng.