Trong chuyến du lịch Nhật Bản hồi tháng 7 vừa qua, Nguyễn Thùy Trang (SN 1995, quê ở Hải Phòng) không khỏi thích thú khi được trải nghiệm nhiều điểm đến, hoạt động thú vị. Trong đó, nữ travel blogger ấn tượng nhất với Kifune - một địa điểm xanh mát thích hợp “trốn nóng” ngày hè, nằm cách trung tâm cố đô Kyoto khoảng 16km.
“Trong số những địa điểm du lịch hút khách ở Kyoto, mình cảm thấy Kifune xứng đáng là sự lựa chọn hàng đầu cho những ai thích vẻ đẹp tự nhiên, trải nghiệm đền thiêng và thưởng thức những món ăn độc đáo”, 9X chia sẻ.
Dọc theo dòng suối mát và những hàng cây xanh bao phủ cả con đường chính, Kifune khiến du khách ngỡ ngàng vì khung cảnh đẹp như trong các bộ phim anime
Ở đây, nhiều hàng quán lên đèn từ 10h sáng. Còn đền thiêng Kifune mở quanh năm với “con dốc huyền thoại” luôn đông đúc du khách tới cầu may
Nữ du khách Việt cũng tiết lộ, không chỉ gây ấn tượng mạnh bởi cảnh quan thiên nhiên xanh mát tuyệt đẹp, Kifune còn hấp dẫn du khách nhờ quán mì chảy trong ống tre độc lạ - Hirobun, chỉ mở cửa vụ hè thu. Đây cũng được coi là quán ăn duy nhất ở Kyoto phục vụ món nagashi somen (mỳ somen chảy trong ống tre, trúc).
Thùy Trang cho biết, quán mì không cho khách đặt chỗ trước. Dù 11h trưa quán mới mở cửa nhưng từ 9h30 sáng, đã có khoảng gần 100 người xếp hàng dài quanh bờ suối đợi lấy số.
Thùy Trang (bên trái) và loạt du khách xếp hàng dài trước tiệm mì chảy đều kiên nhẫn, vui vẻ chờ đợi giữa bầu không khí mát mẻ dù đang là mùa hè
Tới tiệm mì này từ 9h sáng, may mắn lúc đó lượng khách chưa đông, chỉ có khoảng 35 người phía trước nên Thùy Trang lấy được số thứ tự 14. Tuy nhiên, cô gái quê Hải Phòng cũng phải mất tới 3 tiếng đồng hồ mới được vào chiếu ngồi vì món mì chảy được phục vụ theo lượt, một lượt chỉ dành cho 10 người.
“Lượng khách không ngừng tăng lên, thậm chí họ vẫn kiên nhẫn xếp hàng dài tới 2km, chờ đợi 1-3 tiếng chỉ để được thưởng thức món mì có cách ăn độc đáo này”, nữ travel blogger kể lại.
9X cũng tiết lộ thêm, không chỉ xếp hàng dài, tốn nhiều giờ đồng hồ chờ đợi, du khách muốn thưởng thức món mì chảy độc lạ ở tiệm này cũng phải trải qua quy trình khá gian nan trước khi “tiếp cận” được với ống tre và bát mì.
Đầu tiên, sau khi xếp hàng và tới lượt vào quán, du khách đến quầy lễ tân để thanh toán tiền với giá 1.300 yên/suất (hơn 210.000 đồng) và nhận cây quạt có số thứ tự của mình. Du khách lưu ý, làm mất quạt sẽ bị phạt.
Tiếp đến, khách di chuyển xuống dưới quán, ngồi chờ ở chiếu chờ. Ngay dưới chân, khu vực khách ngồi là dòng suối mát lạnh, khiến ai nấy đều cảm thấy dễ chịu, thư thái.
Sau khi hết 10 người ở lượt trước ăn xong, nhân viên sẽ giơ bảng đánh số để phục vụ lượt khách tiếp theo. Càng gần đến số thứ tự của mình, du khách lại đổi sang chiếu chờ khác, càng tiếp cận gần tới khu vực có ống tre và bắt đầu khoảng thời gian ăn uống vui vẻ, hứng thú.
Trước đây, cách ăn nagashi somen đúng chuẩn là mì chảy trong ống tre sạch có nước lạnh. Nhưng hiện tại, để đảm bảo vệ sinh và phù hợp với mọi du khách, tiệm mì Hirobun chuyển sang sử dụng ống nhôm được thiết kế, trang trí giống như ống tre, trúc. Mỗi thực khách sẽ dùng một ống riêng.
Khi mì chảy tới, thực khách sẽ gắp mì vào bát rồi nhúng vào loại nước dùng kiểu Nhật tên là tsuyu, cứ như vậy khoảng 4-5 lượt gắp. Du khách cũng có thể ăn mì chảy kèm với loại thạch đặc trưng trong vùng có phủ matcha, từ từ cảm nhận vị thanh mát, át đi vị mặn của nước dùng tsuyu.
“Cuộc dạo chơi ẩm thực độc đáo này sẽ chính thức bế mạc khi mì chảy từ ống tre có màu tím/đỏ/vàng. Đó là tín hiệu của việc số lượng mì đã hết và lượt sử dụng dịch vụ của bạn đã kết thúc”, Thùy Trang nói thêm.
Nữ blogger thừa nhận, hành trình di chuyển gần 2 tiếng bằng phương tiện công cộng tới đây, thêm khoảng 3 giờ đồng hồ chờ đợi để đổi lấy 15 phút ăn mì chảy là trải nghiệm khá hài lòng. Với món mì này, 9X có cơ hội hiểu rõ hơn về sự độc lạ và thú vị trong cách ăn uống của người Nhật.
Ở Kifune, Thùy Trang dành nửa ngày đi dạo bộ, khám phá khu vực này. Ngoài trải nghiệm ăn mì somen ống tre, cô còn đi đền Kifune cầu may rồi dạo vòng quanh ăn mochi, kem cây và lang thang tận hưởng không gian thiên nhiên trong lành, xanh mát.
Phan Đậu - Ảnh: Nguyễn Thùy Trang