Hiện nay, khu vực trung du, miền núi phía Bắc là nơi sinh sống chủ yếu của khoảng 7 triệu người dân tộc thiểu số với trên 30 thành phần dân tộc thiểu số, phần lớn là các dân tộc Tày, Mông, Thái, Mường, Nùng, Dao... Tuy nhiên, đời sống của đồng bào nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao nhất cả nước.
Để phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc, du lịch là “ngành công nghiệp không khói” đóng vai trò quan trọng bậc nhất, có thể tận dụng tài nguyên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc thiểu số. Trong đó, văn hóa ẩm thực của người dân địa phương luôn có sức hút đặc biệt đối với khách du lịch.
Ngày 29/9, tại lễ trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I - 2022 và công bố giai đoạn II - 2023 Đề án "Xây dựng và phát triển Văn hóa Ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu Quốc gia" của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong xu thế phát triển ngày càng đa dạng về nhu cầu du lịch, ẩm thực không chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ khâu ăn uống đơn thuần của du khách mà còn được xác định là một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch.
Theo ước tính của Tổ chức du lịch ẩm thực thế giới, du khách quốc tế dành khoảng 25-35% ngân sách du lịch cho các khoản chi tiêu liên quan đến ẩm thực và đồ uống trong suốt hành trình du lịch.
“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch ẩm thực là một trong những dòng sản phẩm quan trọng góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về du lịch ẩm thực, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng. Trong đó chú trọng cung cấp những trải nghiệm, khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của điểm đến gắn với từng món ăn, đồ uống”, ông Nguyễn Lê Phúc nói.
Trong 121 món ẩm thực tiêu biểu của 60/63 tỉnh thành trên cả nước có rất nhiều món là đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, có tới 25 món ăn, đồ uống của 10 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã lọt vào danh sách chứng nhận.
Trong đó, Điện Biên có 3 món (gà Mọ, nộm da trâu, cá nướng của dân tộc Thái); Hòa Bình có 3 món của dân tộc Mường (cá ốc đồ măng chua, môn nấu da trâu khô, rượu cần); Lai Châu có 1 món là thịt lợn sấy Ninh Sớp.
Lào Cai được chứng nhận 2 món tiêu biểu (thịt trâu sấy, rượu ngô bản phố Bắc Hà); Bắc Kạn có 2 món (bánh ngô phố cổ Na Rì, khâu nhục); Hà Giang có 3 món (cá bỗng, cháo ấu tẩu, phở ngô).
Lạng Sơn nổi bật với 3 món (lợn quay, vịt quay, rượu Mẫu Sơn); Phú Thọ có 3 món (xôi nếp gà gáy Mỹ Lung, bánh chưng Đất Tổ, bánh sắn); Quảng Ninh có 3 món (chả mực Hạ Long, cá ngần nấu chua, rượu ba kích tím Đầm Hà).
Hai món vịt bầu Minh Hương, Hàm Yên và mắm cá ruộng Chiêm Hóa được chứng nhận là món ẩm thực tiêu biểu của Tuyên Quang.
Các món tiêu biểu trên do chính các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề cử, thể hiện nỗ lực quảng bá hơn nữa văn hóa ẩm thực các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc tới du khách trong và ngoài nước, từ đó góp phần phát triển du lịch địa phương.