Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực có hiệu quả, thực chất; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác, phát huy tốt các lợi thế so sánh, hình thành rõ các ngành chủ lực, mũi nhọn, nhất là các ngành du lịch, thủy sản, năng lượng tái tạo... Lộ trình phát triển kinh tế biển được xây dựng gắn với hình thành văn hóa sinh thái biển, cải thiện sinh kế bền vững và nâng cao đời sống của người dân vùng biển. Đẩy mạnh đầu tư, phát triển bền vững kinh tế biển, kiểm soát khai thác tài nguyên biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Bình tập trung phát triển kinh tế các vùng biển dựa vào lợi thế của điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, cụ thể:
Thứ nhất, tại vùng biển và ven biển phía bắc từ đèo Ngang đến phía bắc sông Gianh sẽ xây dựng trung tâm kinh tế với nòng cốt là Khu kinh tế Hòn La. Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển, phát triển dịch vụ vận tải biển, chuỗi cung ứng logistics, công nghiệp năng lượng sạch (điện gió ngoài khơi). Tập trung phát triển nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, giúp ngư dân yên tâm bám biển khai thác nguồn lợi thủy, hải sản.
Thứ hai, vùng biển và ven biển trung tâm từ nam sông Gianh đến xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các khu đô thị ven biển, trung tâm thương mại, các khu du lịch, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch biển cao cấp ở vùng Đá Nhảy, Nhật Lệ - Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Ninh. Đầu tư nông nghiệp sinh thái, đánh bắt xa bờ, các ngành dịch vụ hỗ trợ kinh tế biển.
Thứ ba, khu vực từ xã Hải Ninh đến xã Hạ Cờ (thuộc huyện Quảng Ninh), giáp tỉnh Quảng Trị sẽ xây dựng vùng kinh tế tổng hợp, các khu chức năng đặc thù, đa ngành, đa chức năng, đa lĩnh vực, bao gồm: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; dịch vụ du lịch, các khu dân cư đô thị, nông thôn; trung tâm công cộng, các khu sản xuất nông nghiệp, rừng phòng hộ ven biển. Tập trung phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo ven biển.
Với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Quảng Bình cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển kinh tế biển bền vững, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 15 - 20% GRDP và kinh tế của 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển ước đạt 85 - 90% GRDP của tỉnh(4); việc phát triển bền vững kinh tế biển gắn với cơ cấu lại kinh tế địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với cơ cấu lại kinh tế của địa phương, tạo đồng thuận trong toàn xã hội, nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển.
Hai là, chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch, chính sách về phát triển các ngành kinh tế biển gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương tích hợp trong quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng phát triển bền vững. Thực hiện hiệu quả liên kết vùng bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác trên cơ sở sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư trong đầu tư để xây dựng hạ tầng, đặc biệt là Khu kinh tế Hòn La, xây dựng đường ven biển, cầu Nhật Lệ 3, các khu đô thị, nghỉ dưỡng nhằm phát triển hạ tầng kết nối nội vùng và liên tỉnh bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển.
Ba là, tăng cường liên kết nội vùng với các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trong việc phát triển các ngành kinh tế biển nhằm nâng cao giá trị, bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, như: liên kết, hợp tác với các tỉnh trong khối liên kết Hà Nội - Quảng Bình - Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế; các tỉnh thuộc “Con đường di sản miền Trung”; các tỉnh, thành phố trong khối Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ; các tỉnh trên hành lang kinh tế Đông Tây; các tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng chung đường 12 để phát triển các sản phẩm du lịch. Trong lĩnh vực thủy sản, đẩy mạnh khai thác xa bờ theo hướng bền vững, kiểm soát đánh bắt ven bờ, liên kết hình thành các nghiệp đoàn nghề cá lớn liên tỉnh trong việc khai thác các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để hỗ trợ trong việc sản xuất, tiêu thụ cũng như bảo đảm an toàn trước các tác động của thiên tai và nhân tai trên biển. Đầu tư hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá, chú trọng công tác thông tin, cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân, nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi trồng, chế biến sâu thủy sản trên cơ sở ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ... Đối với ngành năng lượng, cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời. Đối với kinh tế hàng hải, tập trung hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến giao thông, phát triển các cảng chuyên dùng gắn với dịch vụ hỗ trợ. Phối hợp với các địa phương có biển nghiên cứu, đề xuất Trung ương bố trí nguồn kinh phí riêng và mô hình quản lý theo vùng cho triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển từ nay đến năm 2030.
Bốn là, ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khai thác công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển phù hợp với cơ cấu lại các ngành kinh tế của địa phương; đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái có tính liên vùng đối với ngành kinh tế biển mới, như năng lượng tái tạo, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm... Hoàn thành thiết lập và quản lý tốt vùng bờ, hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Bình; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, nhất là rác thải nhựa; thực hiện tốt công tác ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển, điều tra cơ bản tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Năm là, tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển, tiếp tục hoàn thiện tổ chức các lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển. Đầu tư kinh phí, trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng, tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam. Xây dựng lực lượng công an khu vực ven biển, đảo, các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển vững mạnh. Nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động kinh tế; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc tại khu vực biên giới biển.
Sáu là, huy động các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển. Đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ động thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến từ các nước phát triển. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển các xã vùng ven biển; xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông biển, đảo, các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế biển mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trên biển, đặc biệt là ở các vùng biển xa bờ.
Thu Hằng, Bích Hạnh, Chí Hiếu, Hoàng Hiệp