Từ quảng cáo game theo kiểu khoe da hở thịt...

Game giờ là phải đi đôi với sex, sốc, sến...nếu thiếu nó thì rất khó để làm truyền thông game trong thời buổi chạy túm quần theo xu hướng cộng đồng mạng hiện nay” - Chị T, một nhân viên MKT/PR Game ngụ tại Tp.HCM dí dỏm thừa nhận. Và có vẻ như không chỉ riêng chị T mà hầu như đa số dân trong ngành cũng đang áp dụng tôn chỉ trên. Theo đó chỉ trong vòng 3 tháng đổ lại đây mà làng game Việt đã xuất hiện tràn làn các đoạn video clip quảng cáo game theo kiểu dung tục.

Thậm chí một số nội dung trong clip còn gây phản cảm cho người xem và hoàn toàn không phù hợp lứa tuổi 18 trở xuống. Điều đáng nói hơn cả là cách làm này không chỉ xảy ra đối với một số công ty kinh doanh game nhỏ lẻ mà nó còn diễn ra ngay với các công ty game có tiếng tăm ở thị trường.



Game thủ Thanh Tùng bức xúc nói: “Cách đây không lâu, em có xem một đoạn video clip quảng cáo của trò chơi S...Ban đầu cứ nghĩ nội dung nó có gì hay ho, liên quan đến game mình đang chờ, nhưng nào ngờ coi được hơn 1 phút thì không thấy hình ảnh game đâu cả mà chỉ thấy cảnh hơ hang, khiêu gợi của các nữ diễn viên trong clip. Đã thế phần lời thoại cho đến nội dung của phim cứ nửa nạc nửa mỡ thế nào ấy! Nói là hài hước thì cũng không hẳn đúng mà nói là phim quảng cáo lại càng không phải. Rất thô thiển”.

Còn chị Hạnh, chủ một quán game ngụ ở Q5 bộc bạch: “Ngại lắm chú ơi, cách đây 1 tuần nè, tôi thấy đứa nhỏ tầm 13~15 tuổi đang ngồi chơi game trong quán thì bất chợt đi ngang quá thấy cháu nó mắt tròn mắt dẹt coi một đoạn video clip mà chẳng khác gì phim con heo. Gì đâu mà nhân vật nữ trong clip mặc áo mỏng dính, nằm lăn lộn ra giường, làm đủ trò kì cục. Tôi liền hét toáng lên và quát cháu nó vì ban đầu cứ nghĩ đang xem phim bậy bạ, sai nội quy trong quán. Nhưng hỡi ôi, khi kiểm tra kĩ lại thì ra đó là một đoạn phim quảng cáo của game T...Thật bức xúc, chả hiểu các người làm game thời buổi giờ nghĩ sao mà lại đưa những nội dung, hình ảnh bậy bạ vậy đến mắt con trẻ”.

...cho đến dung tục và trơ trẽn

A..a...a...ư...ư...á..á...á....” - một âm thanh sặc mùi nhầy nhụa đang rên rỉ phát ra từ đoạn video clip quảng cáo game dài hơn 6 phút của game Th...và đây chỉ là con số ít của rất nhiều đoạn quảng cáo game như vậy. Bởi ngoài sự kích thích về mặt thị giác, thính giác thì các đoạn phim quảng cáo dạng này con phơi bày trần trụi cách giao tiếp bất lịch sự đời thường của lứa tuổi teen, của dân chợ búa. Ví dụ như các câu chửi thề kiểu ĐCM hay VCL luôn được lặp đi lặp lại trong phần lời thoại của diễn viên hay các kiểu Đắng lòng, Lệ rơi, Định mệnh, Lều chõng, Thốn thộn...v...v...cũng lần lượt được bới lên và dùng cho bằng hết! Đôi khi nó có thể tạo cho người xem, người nghe tiếng cười bất giác song để mà hiểu, để mà thấy được giá trị thì hầu như không có hoặc là rất hiếm.

Có lẽ đây chính là xu hướng quảng cáo game mới của năm 2014 sau hàng loạt sự xuất hiện kiểu bình dị như phim chế, phim hài, ca múa nhạc hay xa hơn nữa là các đoạn video clip quảng cáo thuần ingame đời đầu.



Theo ông Nguyễn Hải Long, chuyên gia khai thác quảng cáo trên Google thì những công cụ như YouTube, kênh giải trí thuần video clip hay hình ảnh như Haivl, mạng xã hội Facebook, G+…v...v...nếu biết cách khai thác thì doanh nghiệp chỉ cần bỏ một khoản chi phí cực nhỏ là có thể thu về hiệu quả quảng cáo tốt. Và loại hình clip viral chính là một trong số những cách làm hữu hiệu và thông dụng nhất. Đơn cử doanh nghiệp có thể tự sản xuất ra một đoạn video clip theo ý tưởng riêng hoặc đặt hàng với một đơn vị chuyển làm clip, sau đó chọn thời điểm phù hợp để đưa chúng lên mạng là tự khắc cộng đồng sẽ chia sẻ và giúp chúng lan tỏa.

Tuy nhiên, để cư dân mạng thích thú và chia sẻ clip quảng cáo của mình thì các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kĩ xu hướng cộng đồng mạng ở thời điểm đó cũng như kịch bản video clip của mình có đánh trúng, đánh đúng phân loại đối tượng sản phẩm muốn hướng đến hay không.

Anh Hùng, giám đốc MKT của một đơn vị kinh doanh game Hà Nội chia sẻ: “Quả thật xu hướng làm clip viral đang lây lan đến ngành quảng cáo game và chúng tôi cũng đang đắn đó việc có nên làm hay không. Bởi như bạn đã thấy, hầu hết các clip viral cho sản phẩm game gần đây đều đánh mạnh đến chủ đề Nam – Nữ, Vợ – Chồng giữa đời thường và xã hội chứ ít ai quan tâm đến nội dung game hay các chủ đề giá trị đạo đức khác. Vì đơn giản là ý tưởng dựng kịch bản cho các thể loại này vô cùng phong phú, dễ thực hiện và hơn hết là cộng đồng mạng tỏ ra thích xem, thích soi hơn. Và dù có người chê, người chửi song hầu hết các kiểu clip trên đều hốt views, được nhiều người chia sẻ, thế là đạt chỉ tiêu rồi. Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái của nó, đơn cử nếu làm quá đà sẽ dễ bị Bộ sở, Ban ngành xử phạt hay xa hơn nữa là mang lại tác dụng ngược, vô tình khiến sản phẩm game bị hoen ố theo”.

Đã đến lúc cần tôn trọng game thủ và giá trị ngành công nghiệp game!

Có cầu thì ắt có cung, vì thế không phải tư khắc mà các doanh nghiệp kinh doanh game liền tù tì tung ra các đoạn video clip quảng cáo game đậm mùi sex – sến. Vì qua tìm hiểu của chúng tôi thì đa phần cư dận mạng đều tỏ ra thích thú với những nội dung clip mang tính hài hước, châm biếm, biết nắm bắt xu hướng cộng đồng và đặc biệt là phải có gái đẹp, trai xinh.

Tuy nhiên nếu NPH Game chỉ biết mải mê chạy theo xu hướng cộng đồng mạng mà bỏ quên đi giá trị cốt lõi của game thủ, của sản phẩm thì quả là điều tệ hại. Bởi lẽ không phải số đông cộng đồng mạng đang có ngoài kia đều là game thủ và càng không phải người chơi nào cũng thích bị coi là kẻ trơ trẽn, dâm tục chuyên được NPH Game nhồi nhét vào đầu những thứ rẻ tiền, đáng khinh bỉ.

Anh Tuấn, một game thủ có thâm niên trong làng game Việt bày tỏ quan điểm: “Nói không phải đùa chứ nhìn làng game Việt bây giờ giống như cảnh mấy người dân ít học, người nông thôn kém hiểu biết bị mấy lái buôn người Trung Quốc dụ mua đỉa giá cao, mua mầm cây non giá đắt vậy. Gì đâu mà từ sex, từ vét, từ liếm, từ vô tri, vô đạo...đều được mấy bạn Trung Quốc làm mẫu cho xem, chỉ bảo tận tay - day tận mắt cho thấy rồi giờ người Việt Nam cũng tự áp dụng và học tập theo ngay tại nơi mình sinh ra, lớn lên và kiếm sống trên đó. Bởi vậy không trách được xã hội bao năm qua vẫn cực lực lên án game, luật quản lý game vẫn bập bênh chưa thấy và hiển nhiên trở thành cuộc thanh trừng giữa những ông lớn với ông to, ông nhỏ và ông bé, ông lẻ và ông ăn ăn xé...

Giờ tìm đâu những con người làm game chân chất như thuở đầu? Giờ tìm đầu những con game mang lại giá trị thực sự cho ngành công nghiệp game nước nhà? Cuộc sống vội vã quá, con người ngày cũng lạnh nhạt cảm xúc dần và chính từ đó công cuộc vận hành game, truyền thông game, phục vụ - chăm sóc game cũng bạc bẽo theo. Nơi game thủ như những con nghiện bị bòn rút máu và xương tủy đến ngây dại, nơi những người chỉ đạo kinh doanh game, vận hành như thứ hàng trắng, hàng tối mà chẳng để lại trong lòng người dùng thứ gì sâu sắc ngoại sự khinh bỉ, hay chút ít gọi là giá trị đạo đức nghề nghiệp!!! Có lẽ vài năm nữa chính bản thân mình lại thấy chính con em mình trở thành nạn nhân của cái ngành công nghiệp game kiểu vồn vã này quá !!!”.

 

Theo Infogame