Ngày 28/6, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chủ trì buổi tiếp đoàn doanh nghiệp Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN (EU-ABC) do ông Noel Clehance, Phó Chủ tịch Hội đồng EU-ABC và ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) làm trưởng đoàn. Phía Bộ TT&TT có sự tham gia của Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Cục An toàn thông tin và Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT).
Tại buổi làm việc, ông Noel Clehance - Phó Chủ tịch Hội đồng EU-ABC, đồng thời là người đứng đầu nhóm công tác Brussels, cho biết kể từ khi thành lập cách đây một thập kỷ, Hội đồng EU-ABC đã thiết lập hiện diện tại tất cả các nước Đông Nam Á và thực hiện hiệu quả sứ mệnh của mình, đặc biệt là tại Việt Nam.
Thời gian qua, Hội đồng EU-ABC đã phối hợp chặt chẽ với EuroCham để thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai bên, trên tiền đề hiệp định thương mại tự do đã ký kết và kết quả đã được phản ánh trong kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt hơn 60 tỷ USD.
Đại diện Hội đồng EU-ABC tin rằng tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Ông cũng trích dẫn chỉ số niềm tin kinh doanh (Business Confidence Index - BCI) của các nhà đầu tư châu Âu đối với Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức rất cao, phản ánh sự tin tưởng của doanh nghiệp châu Âu đối với Việt Nam trong thời gian tới.
Trong đó, một trong những nội dung các doanh nghiệp châu Âu đang quan tâm là Dự thảo chiến lược quốc gia về bán dẫn của Việt Nam. Về vấn đề này, đại diện Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT đã trao đổi về mục tiêu phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam tầm nhìn năm 2030. Trong đó, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn dự kiến đạt trên 25 tỷ USD/năm, với giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10-15%, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 doanh nghiệp chế tạo và 10 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn.
Việt Nam ưu tiên phát triển đồng thời ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn, trong đó tập trung vào công tác đào tạo nâng cao sức cạnh tranh nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ cao, cũng như bộ tiêu chuẩn phù hợp với quốc tế.
Liên quan Luật Quảng cáo sửa đổi, đại diện ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đánh giá cao sự đồng hành của Chính phủ và Bộ TT&TT trong việc sửa đổi các quy định phù hợp với hoạt động thực tiễn, đồng thời nêu ý kiến cần định nghĩa rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan trực tiếp và gián tiếp khi tiến hành quảng cáo xuyên biên giới; công khai cập nhật danh sách các kênh, nền tảng bị cấm để doanh nghiệp tuân thủ, cũng như quy trình để các bên liên quan có thể phối hợp xử lý với cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố bất khả kháng.
Đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết, Bộ TT&TT đang phối hợp Bộ VHTT&DL để sửa đổi bổ sung một số quy định của Luật Quảng cáo, tập trung vào hoạt động quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới. Hiện Dự thảo của Luật Quảng cáo sửa đổi đã được công khai trên website Bộ Tư pháp, cũng như tài liệu do Bộ VHTT&DL gửi tới các doanh nghiệp.
Trong đó, quyền lợi và trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo trực tuyến đã được chi tiết hoá, quy định tại điều khoản chung của Luật cũng như tại Điều 23. Các doanh nghiệp quan tâm có thể gửi ý kiến đến các đơn vị chủ trì thuộc Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT để đóng góp xây dựng văn bản luật tốt nhất.
Quy định bảo vệ dữ liệu cũng là nội dung được trao đổi tại buổi làm việc. Đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham đánh giá cao chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng CNTT của Việt Nam, cho biết Việt Nam luôn nằm trong top điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu. Với mạng lưới hơn 1.400 doanh nghiệp EU đang hoạt động tại đây, Hiệp hội luôn đồng lòng với Chính phủ tìm kiếm cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai bên.