Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam về quy định sắp xếp, ổn định dân cư miền núi trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 968 tỷ đồng. Hơn 7.820 hộ dân được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm sắp xếp, ổn định đời sống của bà con.
Tháng 10/2020, vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại Trà Leng đã khiến nhiều hộ gia đình tại đây rơi vào cảnh mất nhà cửa, mất người thân... Ngay sau đó, với sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, và sự chung tay giúp sức của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên cả nước, cuộc sống của người dân nơi đây đã dần ổn định.
Gia đình ông Hồ Văn Đề có 8 người thân bị chết trong vụ sạt lở nghiêm trọng năm 2020, nhà cửa, tài sản bị mất sạch. Ông chia sẻ: nhờ có sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, gia đình ông đã có chỗ ở mới khang trang, được hỗ trợ trâu bò, cây giống… nên cuộc sống không còn lo đói nghèo.
Khu dân cư Bằng La hiện có 624 hộ dân với 2890 nhân khẩu. Cơ sở vật chất đã bảo đảm đời sống hàng ngày. Những vết thương cũ đã lành. Mỗi gia đình có một căn nhà kiên cố, thoáng mát; những đứa trẻ được sinh ra từ khu nhà tái định cư; những ngôi trường ngói đỏ, màu cờ thắp sáng Bằng La. Những cánh rừng quế, keo, mít… đã đến mùa thu hoạch.
Thôn Pơr’ning, xã Lăng huyện Tây Giang là khu dân cư tập trung đầu tiên, cũng là khu dân cư đông đúc nhất của huyện. Đây là nơi quần tụ của 170 hộ đồng bào Cơ Tu với khoảng 600 nhân khẩu.
Trải qua 18 năm thực hiện Đề án sắp xếp và ổn định dân cư để phòng tránh thiên tai, đến nay bộ mặt nông thôn miền núi ở huyện Tây Giang đã thực sự khởi sắc. Làng bản được chỉnh trang ngăn nắp, gọn gàng, văn minh; cuộc sống đồng bào Cơ Tu đã có bước cải thiện đáng kể…
Ở Quảng Nam, công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư được được cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến xã, thôn tích cực triển khai, nhân dân đồng tình ủng hộ, trong đó đã phát huy vai trò chủ thể người dân trong quá trình thực hiện.
Kết quả từng bước thay đổi diện mạo làng, bản theo hướng khang trang, người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn, có điều kiện để ổn định sinh kế. Nhiều điểm quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư phù hợp với quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.