Thực hiện Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số và miền núi; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) đã tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ hiện đại; kiểm soát, khống chế dịch bệnh; triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em.

Huyện đặt mục tiêu trong năm 2024, 100% cán bộ y tế làm công tác chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyển giao kỹ thuật về trạm y tế xã, 100% trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về địa lý được tiêm chủng đầy đủ; hỗ trợ đầy đủ chế độ cho cô đỡ thôn bản theo quy định; mua bổ sung gói đỡ đẻ sạch và túi dụng cụ cô đỡ thôn bản.

tu van cham soc.png
Tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS

Ngoài ra, 25% thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn; 20% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh; 25% trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh; 60% người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 1 lần/năm; tăng thêm 60% người sử dụng dịch vụ dân số, kế hoạch hoá gia đình; 100% tổng số trẻ dưới 5 tuổi được cân đo theo định kỳ phát hiện sớm trẻ suy dinh dưỡng để can thiệp kịp thời. 

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Minh Long đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi cho đồng bào DTTS, đặc biệt các nhóm đối tượng là thanh niên, phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi và cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. 

Tại huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), trong giai đoạn 1 của Dự án 7, huyện được phân bổ hơn 4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, địa phương đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho Trung tâm y tế huyện; đào tạo nhân lực y tế cho huyện; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về trạm y tế xã; hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản; cung cấp thêm dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em.

Huyện đặt mục tiêu tới năm 2025, 100% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp nhân viên y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 29%.

Để hoàn thành mục tiêu, thời gian qua Trung tâm y tế huyện phối hợp với các xã vùng đồng bào DTTS&MN đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức. Các địa phương tổ chức các chương trình truyền thông phối hợp với các Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi để triển khai chương trình đạt hiệu quả cao.

Tranh thủ các nguồn lực tập trung triển khai các giải pháp

Thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Quảng Ngãi được phân bổ 1.794,294 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện trên địa bàn 5 huyện miền núi và 3 huyện có vùng đồng bào DTTS, bao gồm: 61 xã và 241 thôn đặc biệt khó khăn.

Địa phương đã tranh thủ các nguồn lực tập trung triển khai các giải pháp nâng cao sức khỏe, chăm sóc dinh dưỡng, thể trạng cho đồng bào DTTS. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 26/2022 về thực hiện Dự án 7. Năm 2023, Sở Y tế tiếp tục ban hành Kế hoạch số 2110 về thực hiện chương trình này tới các địa phương nằm trong vùng triển khai Dự án. 

Từ nguồn kinh phí của Dự án 7, cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, người cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em. Triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời; củng cố và hoàn thiện mạng lưới chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng ở thôn, xóm vùng DTTS&MN.

Trong đó, chú trọng chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực cho đồng bào DTTS. Trước năm 2015, tỷ lệ sinh con tại nhà của phụ nữ các huyện miền núi là hơn 20% đến nay đã giảm; trong 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ này chỉ còn 5%.

Với các chính sách đặc thù về chăm sóc sức khỏe, nâng cao tầm vóc người DTTS đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân ở miền núi Quảng Ngãi, đặc biệt, phụ nữ sinh con có kế hoạch và an toàn, trẻ em sinh ra được đảm bảo sức khỏe.