Ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh khẳng định, thời gian qua tỉnh này đã rất quan tâm đến phát triển chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính, trong đó có việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp.

Được xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 7/2016, đến hết năm 2020 Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh đã tích hợp 1.865 thủ tục hành chính.

Trong 1.678 dịch vụ công mức 3, 4 đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh, số dịch vụ công mức 4 là 643, đạt tỷ lệ 35%. Với tỷ lệ này, năm 2020 tỉnh đã vượt chỉ tiêu Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 17 về phát triển Chính phủ điện tử.

{keywords}
Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 đã được tỉnh Quảng Ninh cung cấp là hơn 1.600 dịch vụ (Ảnh: doanthanhnien.vn)

Tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức cao theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TT&TT, tháng 4/2021, Sở TT&TT Quảng Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành danh mục các thủ tục hành chính cung cấp bổ sung dịch vụ công trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh năm 2021.

Theo đó, đến hết ngày 30/5, tỉnh Quảng Ninh sẽ cung cấp thêm 781 dịch vụ công mức 4, gồm 749 dịch vụ cấp sở, ngành và 32 dịch vụ cấp xã. Với danh mục này, từ đầu tháng 6/2021, tổng số dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh cung cấp trực tuyến mức 4 sẽ đạt 1.424, chiếm tỷ lệ 76%.

Ông Nguyên còn cho biết, trong các năm vừa qua, số lượng hồ sơ nộp trực tuyến đã tăng liên tục.

Cụ thể, năm 2017 - thời điểm Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh mới được đưa vào hoạt động, tổng số hồ sơ nộp trực tuyến qua dịch vụ công mức 3, 4 là trên 14.000, chiếm 2%; đến năm 2018 đã đạt trên 34.000, chiếm gần 5%; năm 2019 là trên 177.000, chiếm 24%; và năm 2020 là trên 253.000, chiếm 39%.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng số hồ sơ nộp trực tuyến qua dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của Quảng Ninh đã đạt trên 74.000, chiếm 42%. “Đây là một trong những số liệu minh chứng hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ công mức cao cho người dân, doanh nghiệp”, ông Nguyên thông tin.

Đại diện Sở TT&TT Quảng Ninh cũng nhận định: Tới đây, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức đi vào hoạt động, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành khác, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. 

Để mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành trong năm nay, ngày 19/4, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp để đạt được mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 trong năm 2021.

Theo thống kê của Cục Tin học hóa, đến hết năm 2020, các bộ, ngành, địa phương đã đạt 31% dịch vụ công trực tuyến mức 4, vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 17 của Chính phủ. Tính đến tháng 4/2021, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 của cả nước là 34,19%. Đặc biệt, có 3 cơ quan bộ, ngành là Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng 2 tỉnh, thành phố gồm Bến Tre, Tây Ninh đã hoàn thành việc đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4.

Vân Anh

Việc đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên online mức 4 trong năm 2021 là khả thi

Việc đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên online mức 4 trong năm 2021 là khả thi

Đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT nhận định, với cách làm và cách tiếp cận mới, mục tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức 4 trong năm 2021 là hoàn toàn khả thi.