Ngày 25/3/2020, Bộ TT&TT đã có Chỉ thị thứ hai về việc hiệu triệu tất cả các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia phát triển các ứng dụng công nghệ số để giúp cuộc sống của chúng ta vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng theo cách không tiếp xúc, hình thành một trạng thái bình thường mới.
Tại Chỉ thị 16, Bộ TT&TT nhận định, dịch bệnh là tình huống khó khăn nhưng đã đưa đến cơ hội để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử và kinh tế số. Đây cũng là cơ hội hướng dẫn, từng bước phổ cập kỹ năng số cho đông đảo người dân, là lực lượng chính sử dụng các dịch vụ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trong tương lai.
Để vượt qua thách thức, phát triển và ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt đời sống, khởi tạo cuộc sống số, tạo ra những cơ hội mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã chỉ thị toàn thể cộng đồng công nghệ Việt đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Bộ trưởng Bộ TT&TT, ngày 29/4, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường sử dụng môi trường làm việc số phục vụ nhu cầu công việc. Trong đó, chú trọng sử dụng các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ đã được cung cấp của hệ thống chính quyền điện tử, thành phố thông minh.
Đồng thời, thực hiện các cuộc họp, hội nghị trực tuyến qua hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh và các giải pháp họp trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn thông tin theo hướng dẫn của Sở TT&TT.
Hướng dẫn người dân, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tích cực tuyên truyền để người dân sử dụng phần mềm lấy số thứ tự giải quyết thủ tục hành chính qua mạng Internet và sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến.
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng được yêu cầu phải bố trí cán bộ đủ kinh nghiệm phụ trách trả lời hỏi đáp trực tuyến kịp thời cho người dân, doanh nghiệp trên các kênh: cổng dịch vụ công, cổng thông tin thành phần, trang Fanpage DDCI.
Sở Y tế Quảng Ninh được giao chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường khai thác, sử dụng các ứng dụng của bệnh viện thông minh đã được đầu tư trong công tác khám chữa bệnh phục vụ người dân; Tiếp tục hướng dẫn và nâng cao hiệu quả việc khai báo y tế điện tử, sử dụng ứng dụng Bluezone của BKAV trong phòng chống dịch bệnh.
Cùng với đó, khẩn trương đưa nền tảng chuẩn đoán bệnh từ xa do Bộ TT&TT, Bộ Y tế và tập đoàn Viettel phát triển vào phục vụ khám chữa bệnh từ xa cho người dân, từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, chủ động nghiên cứu phát triển các nền tảng công nghệ đáp ứng nhu cầu đặc thù chuyên ngành trong lĩnh vực y tế.
UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng giáo dục và các cơ sở giáo dục trong tỉnh tiếp tục khai thác, sử dụng các ứng dụng lớp học thông minh; tăng cường sử dụng và phát triển các ứng dụng trên nền tảng giáo dục trực tuyến Việt Nam và ứng dụng phần mềm học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình.
Đồng thời, chủ động xây dựng các kho học liệu số, thư viện điện tử và các giải pháp đổi mới trong giảng dạy như thực tế ảo, thực tế tăng cường để thúc đẩy sáng tạo, tăng tính sinh động trong giảng dạy trong giảng dạy, học tập.
Khẩn trương đánh giá giải pháp học trực tuyến đang triển khai thí điểm tại 5 trường để có phương án nhân rộng cho các trường trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn lựa chọn các giải pháp học trực tuyến đảm bảo an toàn, an ninh thông tin để tương tác và giảng dạy cho học sinh.
Sở Công Thương chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tập trung phát triển, ứng dụng các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch thương mại điện tử. Trước tiên, tập trung phát huy hiệu quả các ứng dụng đã và đang được các doanh nghiệp sử dụng, có giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân nắm bắt, khai thác các ứng dụng mua hàng trực tuyến.
Đối với Sở TT&TT Quảng Ninh, UBND tỉnh giao cơ quan này chủ trì thực hiện hàng loạt nội dung công việc như: Đảm bảo quản trị, vận hành các hệ thống thông tin trọng yếu của tỉnh hoạt động ổn định, thông suốt, sẵn sàng 24/7 hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong việc khai thác, sử dụng; Chủ động hướng dẫn các cơ quan, đơn vị sử dụng các nền tảng, giải pháp công nghệ số trong y tế, giáo dục; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển các doanh nghiệp CNTT tại tỉnh có khả năng làm ra sản phẩm, ứng dụng công nghệ số Make in Vietnam…
Năm 2020 đã được Bộ TT&TT tuyên bố là năm chuyển đổi số quốc gia, để đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế số, một xã hội số. Dự thảo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hiện đã được Bộ TT&TT hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 24/4 vừa qua.
Trên quan điểm coi chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về nhận thức, thể chế, chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ, mới đây Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT đã thiết lập Smart Vietnam - trang Facebook của chương trình chuyển đổi số quốc gia. Thông qua việc thường xuyên cập nhật các thông tin về hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam trên trang, cơ quan chủ trì quản lý Smart Vietnam hướng tới mục tiêu hình thành một kênh thông tin có độ tương tác cao với người dân, góp phần nâng cao nhận thức về các hoạt động chuyển đổi số của Chính phủ, các doanh nghiệp và toàn xã hội.