Cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) trực tuyến là một trong 25 TTHC thiết yếu được Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GT-VT) ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc đổi GPLX trực tuyến mức độ 4 triển khai hiệu quả sẽ giúp giảm tải cho các điểm đổi GPLX trực tiếp, tạo ra sự minh bạch, tránh tiêu cực và đặc biệt là mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.
Triển khai tích cực TTHC thiết yếu này, từ đầu tháng 6/2023, hiện Quảng Ninh đang là địa phương đứng thứ 2 toàn quốc về số lượng hồ sơ đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình, với khoảng gần 4.000 giấy phép đã được cấp đổi.
Anh Nguyễn Xuân Thắng (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) chia sẻ: Trước đây, việc cấp đổi GPLX tốn khá nhiều thời gian đi lại của người dân. Đối với những lái xe chuyên nghiệp, thủ tục này cũng khá bất cập khi lái xe không có GPLX để sử dụng trong thời gian đợi trả GPLX mới.
Biết được thông tin và được hướng dẫn làm thủ tục đổi GPLX bằng hình thức trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tôi đã thực hiện và thấy khá hài lòng. Quy trình thủ tục tương đối đơn giản, dễ hiểu, và đặc biệt là hệ thống cũng đã hoạt động ổn định hơn trước, khiến việc cấp đổi GPLX được thực hiện thuận tiện, nhanh chóng.
Việc đổi GPLX theo hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình này được triển khai rộng rãi sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí.
Để đạt được kết quả này, ngành GT-VT đã chủ trì, phối hợp tốt với các đơn vị y tế, công an và các đơn vị liên quan trong việc số hóa, khai thác hiệu quả các dữ liệu số, như: Kết quả khám sức khỏe, rà soát lỗi vi phạm, thanh toán phí trực tuyến… tạo điều kiện để người dân thực hiện thông suốt việc đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình.
Đến thời điểm này, 100% cơ sở y tế có thẩm quyền cấp khám sức khỏe trên địa bàn tỉnh đã liên thông được dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Lực lượng công an cũng đã liên kết hệ thống tra cứu lỗi vi phạm của các phương tiện, chủ phương tiện lên hệ thống để cán bộ giao thông vận tải rà soát.
Sau khi nộp hồ sơ theo hướng dẫn, người dân cũng có thể thanh toán lệ phí 135.000 đồng qua các ứng dụng thanh toán trực tuyến và đợi trả kết quả trực tuyến theo địa chỉ đăng ký.
Bên cạnh việc liên thông, kết nối, khai thác dữ liệu số trong TTHC cấp đổi GPLX, hiện nay, trong giao dịch TTHC tại Trung tâm hành chính công các cấp, hồ sơ thủ tục đầu vào và đầu ra ở tất cả các ngành, lĩnh vực đều đang được số hóa để phục vụ nhu cầu quản lý và khai thác, tái sử dụng các dữ liệu còn giá trị sử dụng.
Với dịch vụ công trực tuyến toàn trình đang triển khai, sau khi tiếp nhận TTHC trực tuyến của tổ chức công dân, cán bộ công chức sẽ thẩm định, ký số và trình ký cấp trên thông qua hệ thống chính quyền điện tử.
Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, cán bộ được phân cấp phê duyệt cũng sẽ ký phê duyệt bằng chữ ký số và chuyển bộ phận trả kết quả đóng dấu số, trước khi chuyển tiếp kết quả số vào tài khoản dịch vụ công của tổ chức, công dân.
Hình thức thanh toán trực tuyến cũng được chấp nhận với tất cả các thủ tục, qua nhiều kênh thanh toán khác nhau. Kết quả giải quyết TTHC được số hóa cũng có giá trị pháp lý tương đương kết quả giải quyết TTHC bằng văn bản giấy, có thể được các tổ chức, cá nhân tái sử dụng trong các công việc liên quan khác.
Cán bộ, công chức cũng có thể rà soát được các thông tin hồ sơ qua hệ thống điện tử; khai thác các dữ liệu phục vụ việc giải quyết TTHC thiết yếu…
Ngoài việc khai thác và sử dụng dữ liệu trong công tác giải quyết TTHC, ở nhiều ngành, lĩnh vực trọng yếu khác của đời sống xã hội, như: y tế, giáo dục… dữ liệu số cũng đang thể hiện vai trò quan trọng và tính ưu việt của mình.
Với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện nay hơn 1,3 triệu nhân khẩu trên địa bàn tỉnh đã được quản lý sức khỏe và đồng bộ tích hợp lịch sử khám chữa bệnh với ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” của người dân; 100% dữ liệu khám chữa bệnh tại các đơn vị được liên thông dữ liệu với Hồ sơ sức khỏe.
Quảng Ninh đã có 5 đơn vị y tế được công nhận thực hiện bệnh án điện tử trong khám chữa bệnh, chiếm tỷ lệ 16% cả nước. 100% đơn vị đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của bảo hiểm xã hội Việt Nam, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp thay thế cho thẻ BHYT giấy; đặt lịch hẹn khám online; linh hoạt phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…
Trong ngành Giáo dục, toàn bộ thông tin của gần 22.000 cán bộ, giáo viên và 350.000 học sinh toàn tỉnh đã được cập nhật lên phần mềm trực tuyến. Các trường tiểu học, trung học trên toàn tỉnh đã sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy…
Trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện, Quảng Ninh xác định việc tiếp tục tập trung xây dựng dữ liệu số là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục từng bước triển khai số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, địa phương; khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Theo Minh Hà (Báo Quảng Ninh)