Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào rộng lớn, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, tiêu chí môi trường của Chương trình vẫn là tiêu chí khó thực hiện, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trên địa tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Các địa phương của tỉnh Quảng Ninh dành nguồn lực, nghiêm túc triển khai thực hiện tiêu chí về môi trường. Thông qua công tác tuyên truyền vận động đã được sự đồng thuận cao trong nhân dân và các cơ quan, doanh nghiệp.
Về chất thải rắn sinh hoạt, hiện nay, trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 1,2 tấn/ngày. Tỉnh đã tập trung đầu tư các khu xử lý chất thải rắn tập trung, đến nay đã có 9/13 địa phương với tổng số 19 lò đốt rác đang hoạt động, cơ bản đảm bảo giải quyết nhu cầu xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh, đáp ứng tiêu chí về môi trường theo quy định.
Đối với chăn nuôi trang trại, 100% các cơ sở có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đã áp dụng biện pháp xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi, giảm thiểu khí nhà kính; nhiều cơ sở đã áp dụng biện pháp xử lý bằng công nghiệp biogas để dùng nấu.
Việc giữ gìn vệ sinh môi trường không chỉ là nhiệm vụ của riêng các đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường mà có sự tham gia và quan tâm chung của toàn xã hội, các cấp, các ngành và mỗi tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân. Từ thành thị đến nông thôn, phong trào trồng, chăm sóc cây xanh tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình đã trở thành thói quen của mỗi người dân và đã có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Một số vùng nông thôn đã hướng dẫn bà con tự ủ phân từ rác thải hữu cơ bằng cách đào hố, chôn rác thải và rắc men vi sinh, sau đó đậy loại nắp chuyên dụng. Sau một thời gian, khu vực đào hố đó sẽ được tận dụng trồng rau.
Cùng với bảo vệ môi trường, việc xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung cũng được quan tâm nhằm đảm bảo sức khỏe, đời sống người dân khu vực nông thôn, miền núi. Trong 3 năm trở lại đây đã có 18 công trình cấp nước tập trung ở địa bàn các xã trong lộ trình hoàn thành các tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; nâng tổng số công trình trên địa bàn tỉnh có 274 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Tỉnh đang xây dựng và hoàn thiện Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 nhằm nâng cao tỷ lệ cấp nước sạch đạt chuẩn trên địa bàn toàn tỉnh.
Huyện Bình Liêu là điển hình của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện tiêu chí môi trường. Huyện đã đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng.
Các hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng, như trên hệ thống loa truyền thanh, trang thông tin điện tử, lắp đặt pano, khẩu hiệu. Đồng thời, để thực hiện các tiêu chí môi trường hiệu quả, huyện đặc biệt chú trọng đến việc phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân cùng góp sức, chung tay thực hiện.
Các cấp Hội Phụ nữ không chỉ vận động hội viên duy trì tốt việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt mà còn phát huy hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, biến rác thành tiền; các tuyến đường nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu được trồng hoa, cây xanh, lắp đặt đầy đủ hệ thống đèn điện chiếu sáng; các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày thứ bảy xanh, Ngày chủ nhật sạch...
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Liêu tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường, tiêu chí chỉ tiêu môi trường thuộc lĩnh vực phòng quản lý.
Hiện, nhiều tiêu chí đã được hoàn thiện và được người dân đánh giá cao như: Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp trực tiếp 50% tổng lượng phát sinh; chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; có công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung áp dụng biện pháp phù hợp; khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó tỷ lệ đất trồng cây xanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tối thiểu là 10% diện tích toàn khu…
Nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Bình Liêu về bảo vệ môi trường đã nâng cao, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 90% và đối với các xã nâng cao đạt 98%. Số hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt trên 50%. Chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu đạt trên 80%. Chất thải nhựa trên địa bàn được thu gom tái chế sử dụng đạt trên 90%. Đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn đạt 4m2/người.
Những cách làm thiết thực, hiệu quả đang dần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong tham gia bảo vệ môi trường từ thói quen sinh hoạt đến sản xuất. Chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, góp phần xây dựng nếp sống xanh trong cộng đồng dân cư và góp phần hiện thực hóa các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Quỳnh Nga