Thu hút mạnh dòng vốn FDI
Lũy kế hơn 30 năm thu hút FDI (kể từ năm 1988), Quảng Ninh chỉ thu hút được gần 8 tỷ USD vốn FDI (tính đến hết 2021), nhưng chỉ trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, địa phương này đã thu hút được hơn 3 tỷ USD. Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ 3 trong Top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước (sau TP. HCM và tỉnh Bình Dương).
Thu hút vốn FDI đã trở thành một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Tính đến hết tháng 8/2023, tổng vốn thu hút đầu tư FDI của Quảng Ninh đạt 853,93 triệu USD, đạt 71,2% kế hoạch cả năm, thêm 19 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trong 8 tháng này, tỉnh đã tiếp đón và làm việc với hơn 80 lượt đoàn, trong đó 60 lượt đoàn đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, gấp 2 lần cùng kỳ; tổ chức 2 hội nghị, tham dự trên 10 hội nghị xúc tiến đầu tư, gặp mặt doanh nghiệp có quy mô lớn với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức quốc tế. Qua các buổi làm việc, nhiều nhà đầu tư đã thông tin kế hoạch đầu tư vào Quảng Ninh với số vốn hàng trăm triệu USD.
Hiện các dự án FDI trong KCN, KKT của tỉnh tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề như: Kinh doanh bất động sản, dệt may, cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử; chế biến thực phẩm và một số ngành nghề khác. Trong chiến lược phát triển, Quảng Ninh xác định tập trung thu hút đầu tư FDI thế hệ mới có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh đối với thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, ngoài ra cũng ưu tiên thị trường Mỹ, EU, Singapore...
Mục tiêu 5 tháng cuối năm, Quảng Ninh phấn đấu thu hút thêm ít nhất 745,37 triệu USD với 10 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhắm đích cả năm 2023 đạt ít nhất 1,5 tỷ USD vốn FDI, vượt 25% kế hoạch năm.
Nỗ lực “dọn tổ đón đại bàng”
Từ năm 2012, Quảng Ninh đã xác định tầm quan trọng của xây dựng quy hoạch chiến lược, tỉnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng vốn xã hội hóa để đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kinh tế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư.
Hiện Quảng Ninh có gần 200km đường cao tốc (chiếm 10% tổng chiều dài cao tốc toàn quốc), cảng hàng không quốc tế đầu tiên, cảng tàu chuyên biệt đầu tiên trong nước được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Hạ tầng cho các KKT, KCN cũng được quan tâm, ưu tiên bố trí vốn đầu tư, phát huy lợi thế về kết cấu hạ tầng đồng bộ, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Không chỉ chú trọng hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, Quảng Ninh còn quyết liệt cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần cắt giảm các chi phí gián tiếp của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, Quảng Ninh là địa phương có nền hành chính phục vụ tốt nhất, nhanh và hiệu quả. Khi đến tìm hiểu đầu tư ở địa phương này, nhà đầu tư được tiếp cận với các thông tin công khai, minh bạch, cầu thị, thủ tục hành chính nhanh gọn, có những dự án được cấp phép trong vòng 1 ngày.
Quảng Ninh tạo dấu ấn khi 2 lần (năm 2020 và 2022) chinh phục vị trí dẫn đầu cả nước cả 4 chỉ số CCHC (PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS). Trong đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ ngôi vị Quán quân; Chỉ số CCHC (PAR Index) 5 năm dẫn đầu; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng…
Trải thảm đỏ đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Quảng Ninh đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như: hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh (hỗ trợ kinh phí GPMB, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, KKT); hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng KHCN sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về vốn tín dụng…
Quảng Ninh đặc biệt chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài và hợp tác với các tổ chức quốc tế với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tỉnh duy trì định kỳ việc tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, cafe doanh nhân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, nhà đầu tư; từ đó kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; đồng hành, tìm giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho các dự án.
Trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn hoan nghênh và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh và sinh sống gắn bó với địa phương.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh tiếp tục coi trọng nguồn lực đầu tư nước ngoài, tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để đưa nguồn lực này trở thành động lực phát triển quan trọng của tỉnh. Những nỗ lực ấy giúp tỉnh duy trì ưu thế trong việc thu hút “đại bàng”, trở thành miền “đất lành” hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài.
N.Hân