quang ninh.jpeg

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), sau 11 tháng năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót vốn” vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước gần 29 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 14.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư thực hiện đạt hơn 20 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Trong đó, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,11 tỉ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022. 

Theo thống kê từ Ban Quản lý các Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, đến ngày 20/11, tổng vốn đầu tư thu hút trên địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh năm 2023 đạt 114.329,06 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn FDI đạt 3.102,8 triệu USD tương đương 72.910,5 tỷ đồng, bằng 258,6% kế hoạch thu hút đầu tư năm 2023 (chỉ tiêu nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh, tổng vốn FDI thu hút tối thiểu đạt trên 1 tỷ USD). Cụ thể, tỉnh đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư mới cho 23 dự án FDI; điều chỉnh tăng vốn cho 2 lượt dự án FDI đạt vốn đầu tư tăng thêm 5 triệu USD. Như vậy đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh có tổng 108 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 5,5 tỷ USD, là nơi làm việc của gần 20.000 lao động. 

Đáng chú ý, tỉnh thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọn, phần nhiều dự án FDI đầu tư ở Quảng Ninh là các "dự án thế hệ mới" - công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát triển xanh, sử dụng ít tài nguyên, tập trung vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, trọng điểm là Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái…

kcn song khoai.jpeg
Khu kinh ven biển Quảng Yên có nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp đang được triển khai

Bên cạnh tiếp tục thu hút FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, lần đầu tiên Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh lên trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Kết quả này minh chứng cho thấy Quảng Ninh tiếp tục là điểm đến "an toàn, tin cậy, hấp dẫn" đối với các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới, khẳng định vị thế của một trong những địa phương có chất lượng điều hành nền kinh tế tốt nhất cả nước. Cùng với hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại khi có cả đường hàng không, đường biển, đường bộ, những nỗ lực của tỉnh trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư đã làm nên thành công này.

42a4bd2b6cfd2521b90b9913ea7063ec.jpeg

Trong đó, Quảng Ninh đã quyết liệt cải cách thực chất các thủ tục hành cách trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan; kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ những quy định của pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Tỉnh đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục pháp lý, đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh; khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch để sẵn sàng thu hút các dự án FDI chất lượng.

Ấn tượng nhất, trong năm qua, 2 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD - Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại Khu công nghiệp Sông Khoai (Quảng Yên) được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc, rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định

Làn sóng FDI đầu tư vào Quảng Ninh vẫn đang hết sức mạnh mẽ, điều này cho thấy, sức hút của Quảng Ninh còn rất lớn. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu thu hút FDI đạt hơn 3 tỷ USD.

Mẫn Chi