Tại huyện Hướng Hoá, Quảng Trị, thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 5 Chương trình MTQG 1719 về bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS, huyện đã khảo sát, lập danh sách cán bộ quản lý, giáo viên giới thiệu tham gia bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo quy định. Trong đó, ưu tiên cán bộ quản lý các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú.

Huyện phối hợp hướng dẫn các xã, thị trấn tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp THPT có điều kiện tham gia học dự bị đại học.

Nhờ tích cực triển khai, đến nay cơ sở vật chất, trường lớp của các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, bảo đảm phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS&MN.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Xác định việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, có tính đột phá để phát triển KT - XH, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở vùng cao, tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực người DTTS. Tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ tiền học phí, tiền tài liệu, giáo trình, tiền ở nội trú, tiền xây dựng và bảo vệ luận văn tốt nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo.

Ảnh màn hình 2024 11 17 lúc 10.25.39.png
Quan tâm đầu tư, phát triển nguồn nhân lực cho vùng DTTS&MN luôn là ưu tiên của các địa phương. Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, tại Quảng Trị, nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số (DTTS) trong các ngành, nhóm ngành, lĩnh vực đặc thù như sức khỏe (chủ yếu là y khoa và dược học), công nghệ thông tin, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, đào tạo giáo viên... được đánh giá là vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu. 

Theo thống kê về tình hình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS giai đoạn 2019 - 2023 của Sở Nội vụ Quảng Trị, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS đang làm việc trong các ngành, nhóm ngành, lĩnh vực đặc thù nêu trên còn khá “mỏng”.

Năm 2023, lĩnh vực sức khỏe có 101 người, nông nghiệp có 60 người, tài chính - ngân hàng có 5 người, đào tạo giáo viên chiếm số lượng đông nhất với 683 người (chưa bao gồm viên chức sự nghiệp giáo dục thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo), lĩnh vực công nghệ thông tin là 0 người.

Về trình độ đào tạo, lĩnh vực sức khỏe có 16 người có trình độ cao đẳng, 44 người có trình độ đại học, 14 người có trình độ sau đại học; lĩnh vực nông nghiệp có 58 người có trình độ đại học; 5 người công tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đều có trình độ đại học; đào tạo giáo viên có 108 người có trình độ cao đẳng, 547 người có trình độ đại học, 1 người có trình độ sau đại học (chưa bao gồm viên chức sự nghiệp giáo dục thuộc Sở GD&ĐT).

Trong giai đoạn từ năm 2019 - 2023, toàn tỉnh có 23 người DTTS được đào tạo nhóm ngành sức khỏe, 2 người nhóm ngành nông nghiệp, 164 người nhóm ngành giáo viên; vẫn còn quá ít so với nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các lĩnh vực.

Thống kê về nhu cầu nguồn nhân lực ở các địa phương đối với các ngành, nhóm ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lĩnh vực sức khỏe cần thêm 860 người, trong đó cần 107 nhân lực chất lượng cao, nông nghiệp cần thêm 24 người...

Từ thực tế trên có thể thấy, để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS cho Quảng Trị những năm tới, trước tiên cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ.

Cùng với đó, xây dựng các quy định riêng về triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng để củng cố, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng làm việc cho cán bộ DTTS.

Các nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải cụ thể, phù hợp với đối tượng, đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng như: đổi mới nội dung chương trình, phương pháp, kỹ thuật dạy học, hình thức kiểm tra, đánh giá, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quá trình bồi dưỡng.

Ngoài ra, nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người DTTS. Cụ thể hóa các chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người DTTS, gắn đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm tại địa phương. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS nâng cao trình độ sau đại học.