Năm 2022, Bộ Công an dự kiến sẽ tổ chức bài thi đánh giá năng lực ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT chủ trì, để làm cấu phần tuyển sinh vào các trường công an.
Theo kết cấu, bài thi sẽ gồm 2 phần là trắc nghiệm (90 phút) và tự luận (90 phút).
Ở phần tự luận, thí sinh được lựa chọn một trong hai lĩnh vực là Toán học hoặc Ngữ văn theo nguyện vọng thí sinh đăng ký khi sơ tuyển.
Nếu thi môn Toán, sẽ có từ 3 - 5 câu với 40 điểm, trong đó 80% thuộc kiến thức lớp 12; 20% kiến thức lớp 10, 11, được đánh giá theo 4 cấp độ: cấp độ nhận biết, cấp độ thông hiểu, cấp độ vận dụng thấp, cấp độ vận dụng cao.
Kết quả bài thi đánh giá của Bộ Công an sẽ chiếm 60% tổng điểm xét tuyển, điểm thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT chiếm 40% tổng điểm xét tuyển.
GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho rằng đây là một hướng đi đúng, đặc biệt ngành công an cần nhiều suy luận trong công tác điều tra nên thi hình thức tự luận là phù hợp.
“Có thể thấy thi trắc nghiệm khó đánh giá được trình độ thực của thí sinh. Trong khi điểm thi tốt nghiệp THPT của nhiều thí sinh cao như nhau nên rất khó phân loại để tuyển sinh. Vì vậy các trường đại học nên tùy theo điều kiện và nhu cầu của mình để đặt ra phương thức thi sao cho phù hợp. Tôi nghĩ rằng, trường nào muốn tuyển những người có khả năng suy luận logic tốt thì nên dùng hình thức tự luận. Bởi thi trắc nghiệm dễ dẫn đến việc học sinh chỉ chăm chăm học bấm máy tính và đoán kết quả”, GS Trung nói.
GS Trung cũng cho rằng: “Nhiều người hiểu sai việc dạy Toán ở bậc phổ thông là dạy kiến thức toán học, học sinh chỉ cần học thuộc công thức để áp dụng, mà quên mất rằng học toán là học suy luận logic. Việc chỉ dạy các công thức toán học một cách hình thức cùng với thi trắc nghiệm đã và đang góp phần cho ra đời những thế hệ học sinh mất thói quen tư duy một cách độc lập. Rất nhiều giảng viên lâu năm ở các trường đại học trong nhiều chuyên ngành khác nhau đều có nhận xét là sinh viên mới vào trường hiện nay không làm được các bài tập hay đề thi cần đến suy luận mà sinh viên nhiều năm trước đây có thể giải được một cách dễ dàng. Đây có lẽ cũng là lý do mà các trường công an thi đánh giá năng lực bằng hình thức thi tự luận để có thể chọn được sinh viên tốt hơn”.
Tuy nhiên, GS Trung cũng cảnh báo khi thi tự luận cũng cần lường trước những hình thức luyện thi, lò ôn đề thi, cách thi riêng có thể kéo theo, nảy sinh tiêu cực.
TS Lưu Bá Thắng, giảng viên Khoa Toán - Tin của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng ủng hộ hướng đi này và khẳng định việc thi trắc nghiệm môn Toán không phải là phương án phù hợp với tuyển sinh đại học.
“Nếu ở một kỳ thi chỉ nhằm xét tốt nghiệp THPT thì thi trắc nghiệm là hợp lý và tôi ủng hộ hoàn toàn, thậm chí đối với cả môn Văn. Bởi hình thức trắc nghiệm có thể coi là một bộ lọc nhanh, để đánh giá nắm được những kiến thức nền tảng. Nhưng để tuyển sinh vào đại học, đặc biệt là những trường top đầu, đòi hỏi cao hơn ở sinh viên tư duy logic, suy luận và cả khả năng ngôn ngữ thì nên thi tự luận hoặc tự luận kết hợp trắc nghiệm”, TS Thắng nói.
Theo TS Thắng, ở bậc đại học, đặc biệt là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội gánh chịu hậu quả rất lớn của việc tuyển sinh bằng thi trắc nghiệm.
“Nhiều sinh viên ngành Toán của trường sư phạm không biết cách trình bày một bài toán một cách nghiêm chỉnh”, TS Thắng nêu thực tế.
TS Thắng cũng nhận định, việc chuyển từ hình thức thi quen thuộc là trắc nghiệm sang tự luận sẽ không gây khó cho những học sinh học đúng nghĩa trong việc ôn thi.
“Bởi về mặt bản chất, học gì cũng phải trả lời được câu hỏi tại sao ra được kết quả cuối cùng như vậy, hiểu bản chất vấn đề. Nhưng hiện, một số các học sinh quá chú trọng vào mẹo mực và luyện thi. Nếu các thầy cũng dạy theo hướng như vậy thì mới là khó cho thí sinh. Nếu dạy và học một cách nghiêm túc thì theo tôi, thí sinh cũng sẽ không vất vả gì hơn cả”.
Ông Lê Xuân Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên thuộc Trường ĐH Vinh thì cho rằng, nếu thêm hình thức thi tự luận kết hợp với trắc nghiệm thì độ chính xác trong đánh giá thí sinh để tuyển sinh sẽ cao hơn.
“Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu xét tốt nghiệp - đánh giá đạt hay không đạt ngưỡng tốt nghiệp thì thi bằng hình thức trắc nghiệm cũng là hợp lý. Nhưng để chọn lọc thí sinh vào đại học, thì thi tự luận độ tin cậy, chính xác sẽ cao hơn. Hoặc khi kết hợp 2 hình thức thi chắc chắn cũng sẽ tốt hơn. Một là kết quả bài thi trắc nghiệm môn Toán (cấu phần tạo nên tổng điểm) ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn lại kết quả bài thi tự luận môn Toán ở kỳ thi đánh giá riêng các trường thuộc Bộ Công an (nếu chọn môn Toán)”.
Nhận định rằng với hình thức thi tự luận, chắc chắn thí sinh sẽ gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, theo ông Sơn, khó là khó chung chứ không phải chỉ đối với riêng thí sinh nào.
Thanh Hùng