Thời ấu thơ ngây ngô, tôi cứ ngỡ bản thân sẽ gắn bó lâu dài với Thủ đô. Nhưng rồi biến cố xảy ra, ông bà nội tôi đột ngột qua đời trong một tai nạn. Tôi đành phải rời khỏi Hà Nội, dọn về TP.HCM sinh sống.
Rất nhiều năm trôi qua nhưng ám ảnh về tai nạn của ông bà khiến tôi luôn từ chối quay lại Hà Nội. Tôi mặc định vùng đất này như một nơi chứa nhiều đau thương nên thường lẩn tránh, không muốn quay trở lại. Thấm thoắt đã gần 10 năm, tôi trốn tránh Hà Nội như một cách để tạm quên đi nỗi đau thương của chính mình.
Mãi cho đến năm ngoái, khi đi dự hội thảo văn hóa tại Mỹ, tôi vô cùng bất ngờ với một báo cáo về cách “chữa lành” tâm lý của nghiên cứu sinh người Nhật. Bạn từng gặp chấn thương tinh thần sau sự ra đi của bố mẹ nên có xu hướng muốn rời xa vùng đất đau thương nơi mình sinh ra và lớn lên. Nhưng sau đó, nhờ kiên cường chữa lành, bạn đã can đảm quay lại nơi mình từng không muốn đến, để rồi nhận thấy vùng đất ấy không hề có lỗi. Thậm chí đó còn là nơi để bạn tìm được những gắn kết thời thơ ấu với bố mẹ, chữa lành “đứa trẻ” trong chính mình.
Tôi nhớ bạn đã kết thúc bài phát biểu bằng một câu kết luận thật sâu sắc: “Thế giới càng phẳng, người ta càng cần sống thật sâu. Rất may cho tôi đã nhận ra điều này khi tuổi đời còn trẻ, để cho phép bản thân được sống một cách không hối tiếc”. Tôi cho rằng độ sâu này không chỉ bao hàm về kiến thức, những trải nghiệm về cuộc sống muôn màu mà còn là biết bao hoài niệm, gắn kết với những vùng đất thân yêu.
Có một thời, bản thân tôi cũng như nhiều người trẻ khác phải tất bật vì cuộc sống với những tác động và lực kéo bên ngoài. Tôi từng dằn vặt vì một bản báo cáo chưa hoàn thành, đã khóc nức nở vì lời chia tay đến từ người bạn trai lâu năm. Thậm chí, tôi tự cô lập bản thân trong một căn phòng đầy bóng tối ở Sài Gòn chỉ để khóc một mình. Nhưng rồi, thời gian trôi qua, tuổi tác ngày một nhiều hơn, nhân sinh quan trong tôi thay đổi. Tôi hiểu mình cần dũng cảm để thay đổi. Và thế là, sau nhiều năm trốn chạy, tôi quyết định đặt vé máy bay quay trở lại Hà Nội.
Tôi đến Hà Nội vào một ngày mùa đông nhạt nắng. Khẽ khàng thức giấc ở một căn phòng khách sạn ấm áp giữa lòng phố cổ, tôi miên man đi dọc những con đường nhỏ, nghe sương mai còn đọng trên vai mình. Ngồi uống cà phê trong mưa bay dưới nền trời xám xịt, nghe gió xôn xao, như nghe cả tiếng thở của mùa đông Hà Nội ngày nào. Một cảm giác bất chợt hoài niệm chạm khẽ vào tâm hồn khiến tôi như đang được trở lại những ngày mùa đông xưa.
Mùa đông như một món quà thiên nhiên ban tặng riêng cho mảnh đất Hà thành. Mùa đông Hà Nội suốt bao nhiêu năm vẫn mơ mộng như thế. Đâu đó, dưới tán cây bàng đã chớm đỏ, một chút hương hoa sữa vẫn còn lưu luyến giữa không khí se se lạnh đầu mùa của những phố dài xao xác.
Tôi an tĩnh chọn một góc nhỏ, lần giở vài trang sách. Hoặc tôi vẩn vơ đi xung quanh, tận hưởng cảm giác ấm áp khi dạo bộ giữa lòng phố như thời còn thơ, dẫu phố phường Hà Nội ồn ã xe cộ, tấp nập người bán buôn. Thoáng trong phố, tôi khẽ giật mình, cảm tưởng như mình đã quá già nua giữa những con phố trẻ trung.
Thi thoảng, nhìn những đứa trẻ khoác chiếc áo ấm với sắc màu đan xen ngoài phố, tôi bỗng nhớ lại khoảng đời thơ ấu trước đây. Mỗi khi mùa đông sang, bà tôi thường ngồi tỉ mẩn tháo những chiếc áo len cũ để đan lại thành áo mới cho tôi. Trong những năm tháng khó khăn ấy, chiếc áo len dẫu chỉ là len cũ thôi, nhưng được tỉ mỉ phối theo nhiều cách khác nhau, vẫn khiến đứa trẻ là tôi háo hức vô kể. Không chỉ có áo len mà cả những chiếc chăn ấm được ông tôi tỉ mẩn chuẩn bị trước.
Thông thường vào mùa hạ, ông tôi sẽ tranh thủ phơi chăn bông đến vài nắng, để rồi khi những cơn gió lạnh ùa về, bà sẽ nhanh chóng lồng vỏ vào những chiếc chăn bông dày cộp. Đứa trẻ con sợ lạnh là tôi lúc ấy mỗi khi đắp lên người lại thích thú hít hà vì chiếc chăn quá êm ái và phảng phất mùi nắng.
Bữa cơm mùa đông ở nhà ông bà tôi khi ấy bao giờ cũng ấm áp với những món như canh đỗ đen nấu với gân bò, nồi cá kho riềng sôi trên bếp tỏa mùi thơm thật hấp dẫn. Thi thoảng, bà tôi cao hứng nấu thêm ít xôi vò ăn kèm giò lụa thơm, hoặc ông chịu khó khoác thêm chiếc áo lạnh ra đầu ngõ mua ít bánh đúc chấm tương bần cho cả nhà. Trong hoài niệm của tôi, dẫu gia cảnh ông bà không thật sự khá giả nhưng nhờ tình yêu thương và sự chăm chút tỉ mỉ dành cho cháu nên đời sống của tôi khi ấy lúc nào cũng ấm áp và trọn vẹn.
Nhưng đó chỉ là câu chuyện của những năm tháng trước đây. Ông bà tôi đã theo mây trắng về trời, để lại mình tôi bơ vơ trước cuộc đời ngổn ngang. Tôi khẽ gạt nước mắt khi đứng trước ngôi nhà cũ của ông bà nay đã trở thành một cửa hiệu vàng mã nhộn nhịp người ra kẻ vào.
Chiều muộn, một chị hàng hoa chậm rãi đẩy xe trên phố tấp nập người qua. Những cánh cúc hoạ mi trắng mong manh trong gió lạnh khiến lòng tôi xao xác. Người phụ nữ lam lũ đi qua những phồn hoa phố thị một cách thật bình thản. Chợt nhớ mình từng hứa với ông bà phải luôn học cách sống như cúc họa mi, loài hoa thoáng qua có vẻ yếu đuối nhưng thực ra lại rất kiên cường, luôn vươn mình khoe sắc trong gió lạnh đầu đông.
Những ngày quay trở lại Hà Nội để “chữa lành” cho chính mình, lòng tôi lúc nào cũng nao nao nhiều nỗi niềm. Dẫu từng trốn tránh nỗi đau nhưng sự thật mãi mãi là điều mà chúng ta phải chấp nhận. May mắn rằng, sau rất nhiều dằn vặt, bản thân đã có thể “giảng hòa” với vùng đất thân yêu này, để bâng khuâng nhớ lại thấy mình may mắn thay, vì từng được đi qua bao thời khắc ngọt ngào của tuổi thơ.
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X. VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet. Trân trọng cảm ơn! |
Độc giả Thiên An