Kết thúc phiên giao dịch 17/1, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai tiếp tục giảm sàn phiên thứ 4 liên tiếp xuống 17.400 đồng/cp, từ mức 21.600 đồng/cp hôm 12/1. Như vậy, chỉ trong vài phiên, cổ phiếu doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ công Nguyễn Quốc Cường) đã giảm tổng cộng hơn 19,4%, tương đương vốn hóa mất khoảng 1.150 tỷ đồng.

Trong vài phiên gần đây, thanh khoản của cổ phiếu QCG tụt giảm, xuống chỉ còn vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên, thay vì vài triệu đơn vị được chuyển nhượng/phiên trước đó.

Kết thúc phiên 17/1, dư bán giá sàn của cổ phiếu này còn hơn 3,6 triệu đơn vị.

Cổ phiếu QCG giảm sàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán bị bán mạnh sau 2 cú sốc chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bỏ cọc trong thương vụ đấu giá đất “kim cương” tại Thủ Thiêm (TP.HCM) và chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC.

Bên cạnh đó, một thông tin tiêu cực liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan là việc VKSND TP.HCM tiếp tục đề nghị xem xét trách nhiệm của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.trong chuyển nhượng 32ha đất công ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

{keywords}
Cổ phiếu QCG biến động mạnh trong thập kỷ qua.

Cụ thể, VKSND TP.HCM vừa tiếp tục trả hồ sơ vụ sai phạm trong chuyển nhượng 32ha đất công ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM cho Công an TP.HCM để xác định chính xác thiệt hại vụ án, làm rõ trách nhiệm của CTCP Quốc Cường Gia Lai.

Trước đó, tháng 10/2021, VKSND TP.HCM cũng từng trả hồ sơ, đề nghị tiếp tục định giá tài sản để xác định chính xác giá trị tài sản của Công ty Tân Thuận tại thời điểm hai công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai ký hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã bồi thường tại dự án khu dân cư Phước Kiển vào tháng 5/2018.

QCG là một cổ phiếu biến động rất mạnh trong nhiều năm qua, tăng giảm nhiều lúc lên tới 5-7 lần. Gần đây, QCG tăng rất mạnh cho dù doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn trong cả thập kỷ qua.

Trong đợt tăng gần nhất, QCG từ mức khoảng 6.000 đồng/cp hồi tháng 7/2021 vọt lên mức 21.600 đồng/cp vào giữa tháng 1/2022 vừa qua. Kể từ 2010 tới nay, cổ phiếu QCG đã có 2 lần tăng vọt lên khoảng 25.000-30.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) và cũng có 3 lần xuống quanh ngưỡng 5.000 đồng/cp.

Trong nhiều năm qua, QCG ghi nhận lợi nhuận hàng năm ở mức thấp, nhiều khi thua lỗ, dòng tiền âm, 10 năm chia cổ tức 2.000 đồng, chưa bằng cốc trà đá nhưng liên tục lùm xùm kiện cáo và cổ phiếu biến động rất mạnh.

Hồi tháng 8/2020, bà Nguyễn Thị Như Loan cũng đã thôi kiêm nhiệm chức danh chủ tịch sau khi con trai rời công ty và phát triển các dự án riêng. Hồi tháng 11/2018 ông Nguyễn Quốc Cường đã rút khỏi tất cả các vị trí tại QCG. Ông Cường rút khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT của QCG.

Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 18/1

Thị trường đang chịu áp lực bán ra mạnh. Dòng tiền có xu hướng tránh những nhóm cổ phiếu đang bị bán tháo như bất động sản, “họ FLC”.

Theo Agriseco, lực bán đang rất mạnh. Một số cổ phiếu đầu cơ đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng vẫn là tâm điểm của đợt điều chỉnh khi nhiều mã tiếp tục nằm sàn với dư bán lớn. Dư âm giảm điểm cũng đã lan rộng sang nhiều nhóm ngành khác như chứng khoán, thép, xuất nhập khẩu khi trên sàn HoSE trong phiên 17/1 chỉ có 50 mã tăng so với 446 mã giảm.

VN-Index đã xuyên qua đường hỗ trợ MA50, chạm dải dưới của dải Bollinger Band và có xu hướng tìm về vùng hỗ trợ gần nhất quanh mốc 1.440 điểm. Ngoài ra, thứ Năm tuần này sẽ diễn ra phiên đáo hạn phái sinh đầu tiên của năm 2022, dự báo thị trường có thể xuất hiện các biến động bất thường.

Chốt phiên 17/1, VN-Index giảm 43,18 điểm xuống 1.452,84 điểm. HNX-Index giảm 21,52 điểm xuống 445,34 điểm. Upcom-Index giảm 3,17 điểm xuống 109,05 điểm. Thanh khoản tăng lên 37,8 nghìn tỷ đồng, trong đó trên sàn HOSE đạt 31,2 nghìn tỷ đồng.

V. Hà

VN-Index mất hơn 43 điểm: Đồng loạt lao dốc, hoang mang đỏ sàn

VN-Index mất hơn 43 điểm: Đồng loạt lao dốc, hoang mang đỏ sàn

Cổ phiếu đồng loạt giảm trong phiên đầu tuần mới sau khi đã giảm sâu trong tuần trước đó. Chỉ số VN-Index giảm hơn 43 điểm.